Xuất phát từ ý tưởng san sẻ một phần khó khăn với người nghèo, người già yếu, bệnh tật... trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm, “Quầy hàng không giá” đã ra đời, đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân nên mô hình có sức lan tỏa sâu rộng đến các cấp hội, đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên... Theo đó, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đều có mô hình này. Quầy hàng bố trí ở khu vực trung tâm hoặc địa điểm thuận tiện cho người đến mua sắm và được mở hằng ngày, hoặc định kỳ hằng tuần, hằng tháng, tùy vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương. Người đến quầy hàng mua sắm không phải trả tiền.

"Quầy hàng không giá" của Đoàn xã Bình Chương (Bình Sơn, Quảng Ngãi). 

Quầy hàng được duy trì thường xuyên và bền vững nhờ sự sẻ chia, ủng hộ bằng tiền và hiện vật của các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm, những người có điều kiện kinh tế... Từ ý nghĩa nhân văn và hiệu quả mang lại, “Quầy hàng không giá” không những được các cấp hội, đoàn thể hưởng ứng, nhân rộng mà còn lan tỏa đến cán bộ, nhân dân ở từng địa phương. Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả rất thiết thực, giúp số đông người nghèo khó, bệnh tật, già yếu cải thiện thêm bữa ăn cũng như được tiếp cận và sử dụng một số vật phẩm, dụng cụ thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày mà trước đó chưa có điều kiện mua sắm.

Ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Nam Thuận, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bày tỏ: “Nhờ có "Quầy hàng không giá" của các cháu, các em mà tôi cũng như một số người già yếu khác được sử dụng rau, quả sạch, tươi ngon lại không tốn tiền”. Thiết nghĩ, mô hình này được lan tỏa rộng khắp sẽ tạo hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng, kéo gần khoảng cách giàu-nghèo, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.         

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC MINH