Bài viết đề cập đến vỏ bọc rất tinh vi của các tổ chức cho vay tín dụng "đen” ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa là thành lập các công ty tài chính, nhưng thực chất là hoạt động tín dụng "đen", trong đó điển hình là các công ty tài chính, như: Công ty TNHH Dịch vụ tài chính (DVTC) Đại Tín, Công ty TNHH Trường Cửu, Công ty TNHH DVTC Thương Tín, Công ty TNHH TMDV Quyền Quý, Công ty TNHH Nam Tiến 36... Công an thành phố (TP) Thanh Hóa đã bắt và khởi tố nhiều đối tượng tham gia các tổ chức tín dụng đen này.

Đối tượng Đỗ Văn Thái là người quản lý, điều hành chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu bị khởi tố về hành vi cho vay nặng lãi. Ảnh do Công an TP Thanh Hóa cung cấp

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tá Nguyễn Xuân Hiếu, Phó trưởng Công an TP Thanh Hóa, cho biết: "Đến ngày 11-1, Công an TP tiếp tục khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với nhiều đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Nhiều đối tượng trong số này làm việc tại Công ty TNHH DVTC Đại Tín, như: Phạm Văn Hùng, sinh năm 1989, quản lý chi nhánh số 10, tại huyện Hậu Lộc; Nguyễn Văn Cương, sinh năm 1993, nhân viên chi nhánh số 2 tại TP Sầm Sơn; Trịnh Thị Châm Anh, sinh năm 1994, kế toán chi nhánh số 2 tại TP Sầm Sơn… Trước đó, Công an TP Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng thuộc Công ty TNHH DVTC Đại Tín, Công ty TNHH Trường Cửu...

Chuyên án này vẫn tiếp tục được Công an TP Thanh Hóa điều tra mở rộng. Quá trình điều tra của lực lượng chức năng phát hiện thêm nhiều thủ đoạn trong hoạt động tín dụng đen mà một hình thức điển hình nữa là "bốc bát họ”. Đây là thủ đoạn của Công ty TNHH DVTC Thương Tín đã thực hiện, gọi là cho ''vay thăm’’. Số tiền “vay thăm” từ 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng/bát thăm, trong đó khách hàng vay 10 triệu đồng thì nhân viên công ty đưa lại cho khách 8 triệu đồng, cắt 2 triệu đồng tiền lãi, đồng thời yêu cầu khách hàng đóng tiền vay 200.000 đồng/ngày và phải đóng trong vòng 50 ngày. Công ty này thành lập năm 2017 với 6 chi nhánh tại các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn và TP Thanh Hóa do Nguyễn Sỹ Thương, sinh năm 1989 ở TP Thanh Hóa làm giám đốc.

Cùng với thủ đoạn “vay thăm”, các công ty cho vay tín dụng đen ở Thanh Hóa thường ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hoạt động cho vay nợ sang hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý. Thực chất, các công ty này cho vay với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/triệu đồng/ngày (tương đương 182%/năm).

Nhóm phóng viên Phòng Bạn đọc-CTV