Đến Trường Cao đẳng Nghề số 2 (Quân khu 2) đóng trên địa bàn xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), điều chúng tôi ấn tượng nhất là không khí dạy và học tích cực của nhà trường. Từ phòng học sửa chữa ô tô, xe máy, khu vực học hàn xì, nhôm kính, cơ khí đến bãi dạy học lái xe ô tô, máy cẩu, máy xúc ngoài trời, tiếng các thầy giáo giảng giải, hướng dẫn học viên như át đi tiếng máy. Các học viên là chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự chăm chú lắng nghe, ghi chép và thực hành động tác kỹ thuật trên hệ thống máy móc mà giáo viên vừa truyền thụ.

Học viên Trường Cao đẳng Nghề số 2 thực hành sửa chữa xe máy.

Học viên Nguyễn Linh Sơn quê ở xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 17, Lữ đoàn 543 (Quân khu 2), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã đăng ký và được cấp “Thẻ học nghề”. Sơn lựa chọn nghề sửa chữa xe máy mà anh yêu thích từ nhỏ. Tuy mới theo học được 3 tháng nhưng Sơn đã khá thành thạo thao tác kỹ thuật, tháo lắp, thay thế phụ tùng và “bắt bệnh” thường gặp của xe máy, từ xe số đến xe tay ga. Nguyễn Linh Sơn chia sẻ: "Cảm ơn quân đội đã cho tôi có sức khỏe, bản lĩnh, tác phong của Bộ đội Cụ Hồ và khi xuất ngũ được cấp “Thẻ học nghề”. Tôi quyết tâm học thật tốt để ra trường đi làm cho các doanh nghiệp, khi có điều kiện sẽ thực hiện ước mơ mở hiệu sửa xe máy của riêng mình".

Học viên Nguyễn Đình Đức quê ở thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), nguyên chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, xuất ngũ tháng 1-2016 và được cấp “Thẻ học nghề”, anh theo học lớp Trung cấp điện tại nhà trường và đã tốt nghiệp. Trở về quê nhà, được sự ủng hộ của gia đình, Đức mở cửa hàng sửa chữa điện lạnh, công việc ổn định với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Đại úy Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề số 2, cho biết: “Nhà trường hiện đang đào tạo hàng nghìn học viên, với 16 ngành nghề, trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng. Thống kê của nhà trường cho thấy, tỷ lệ học viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt hơn 90%... Để có được kết quả trên, nhà trường đã phối hợp với một số doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm đào tạo nghề theo địa chỉ đặt hàng. Đồng thời, đầu tư, củng cố cơ sở vật chất, giảng đường; đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng giảng lý thuyết đến đâu thực hành ngay đến đó, khơi gợi sự say mê, sáng tạo của người học. Tất cả ngành nghề đào tạo đều có mô hình, sân tập và thực hành trực tiếp trên hệ thống máy móc, thiết bị. Vì vậy, ngay từ khi học trong trường, nhiều học viên đã thành thạo nghề, khi ra trường có việc làm ngay, với mức thu nhập khá".

Rời quân ngũ được học nghề để lập thân, lập nghiệp, tự khẳng định mình là điều mà rất nhiều chiến sĩ mong muốn. “Vấn đề là chọn ngành nghề sao cho phù hợp với khả năng, sở trường, sức khỏe của bản thân và tình hình thực tế tại địa phương mình sinh sống. Mỗi chiến sĩ cần có sự nhìn nhận, cân nhắc trước khi theo học ngành nghề phù hợp”, Đại úy Hoàng Văn Thành chia sẻ thêm.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 2, cho biết: “Thẻ học nghề” có ý nghĩa chính trị xã hội và chính sách hậu phương quân đội sâu sắc. Không ít chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhờ "Thẻ học nghề" mà có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Kết quả khảo sát trên địa bàn Quân khu 2 có đến 70% bộ đội xuất ngũ đăng ký học nghề”. Thực tế đó cho thấy, “Thẻ học nghề” đã thực sự tạo cơ hội cho bộ đội xuất ngũ có công việc và cuộc sống ổn định lâu dài.

Bài và ảnh: ĐÀO DUY TUẤN