Chờ mãi không thấy em gái bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông tìm hiểu thì mới biết người em gái đã bán lô đất của ông cho hai người được hơn 4 tỷ đồng.
Đọc kỹ đơn và bản phô tô hợp đồng ủy quyền ông Hoàng gửi tòa soạn, người tiếp nhận đơn thấy bản hợp đồng ủy quyền có chữ ký của ông Hoàng và vợ cùng dòng chữ “chúng tôi đã đọc và đồng ý” với nhiều nội dung, trong đó ghi rõ em gái ông “được toàn quyền thay mặt và nhân danh ông... chuyển nhượng, bán, tặng, cho...” thửa đất.
Pháp luật quy định, trong trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, chỉ cần giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.
Tuy nhiên, em gái ông Hoàng đã mời hai công chứng viên đến nhà nên bản hợp đồng có chữ ký của công chứng viên, đóng dấu của văn phòng công chứng phía dưới “lời chứng của công chứng viên”.
Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền...”. Nếu căn cứ vào hợp đồng thì việc em gái ông Hoàng bán lô đất là không trái với nội dung được ủy quyền.
Tuy nhiên, việc em gái ông Hoàng tự ý thêm nội dung được quyền bán quyền sử dụng lô đất rồi lợi dụng lòng tin, lừa cho ông Hoàng ký hợp đồng không chỉ trái đạo đức, với sự thỏa thuận giữa hai anh em mà còn là hành vi lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần sự can thiệp của pháp luật.
Từ vụ việc này, mỗi người khi đặt bút ký hợp đồng cần đọc kỹ nội dung, tránh trường hợp không đọc hay không đọc kỹ đã ký để tránh những hệ lụy về sau.
HÀ PHƯƠNG