Làm thế nào để vừa hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, vừa giữ “lửa” hạnh phúc? Trang Ý kiến chiến sĩ chia sẻ kinh nghiệm của một số cán bộ ở Sư đoàn 312, Quân đoàn 12.

Đầu năm 2020, Đại úy Trần Quý Hùng được cấp trên tin tưởng đề bạt bổ nhiệm Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 209, Sư đoàn 312). Vui nhưng bản thân anh cũng xác định đó là nhiệm vụ nhiều khó khăn, thách thức bởi vì lúc đó Đại đội 2 được coi là “vùng trũng” của Tiểu đoàn 7. Song, bằng nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ trong đại đội và hướng dẫn của chỉ huy cấp trên, liên tục 3 năm liền (2021, 2022, 2023), Đại đội 2 đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Huấn luyện đội ngũ chiến thuật ở Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 12). 

Kinh nghiệm của Đại úy Trần Quý Hùng là phải xây dựng được tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, coi đây là sợi dây kết nối vững chắc để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Trước hết là đoàn kết, thống nhất trong chỉ huy đại đội; cán bộ gương mẫu trong lời nói và việc làm để chiến sĩ noi theo; duy trì nghiêm túc các chế độ, nền nếp ngày, tuần, thực hiện giờ nào việc đấy; thường xuyên đôn đốc và kiểm tra bộ đội. Trong quản lý bộ đội, cần chia theo giai đoạn, theo nhóm.

Như với chiến sĩ mới, trước tiên phải tạo sự tin tưởng, môi trường hòa đồng, cởi mở để họ tâm sự thật với chỉ huy. Hay nhiều gia đình có tâm lý lo lắng khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, ban chỉ huy Đại đội thành lập các nhóm Zalo, Facebook Messenger và mời phụ huynh, người thân của chiến sĩ vào nhóm để cùng trò chuyện, trao đổi tình hình đơn vị và gia đình. Từ đó, tạo sự tin tưởng cho người nhà chiến sĩ, giúp chỉ huy nắm bắt được điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình.

Đồng thời, cấp trên luôn quan tâm chăm lo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cấp dưới và giải quyết thấu đáo nên những năm vừa qua, Đại đội không có đơn thư khiếu nại, ý kiến vượt cấp; chiến sĩ hiểu và tin tưởng đội ngũ cán bộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thông thường, kể cả đối với cán bộ nên đơn vị không có hiện tượng vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, ngoài nhiệm vụ thường xuyên, Đại đội 2 còn được cấp trên tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ đột xuất và đều hoàn thành tốt.

Đại úy Trần Quý Hùng chia sẻ thêm: “Vợ tôi là giáo viên mầm non. Chúng tôi đã có hai con, cháu lớn học lớp 4, cháu nhỏ học lớp 2. Gia đình tôi chỉ cách đơn vị hơn 100m, nhưng đợt cao điểm như tháng đầu huấn luyện chiến sĩ mới thì cả tháng tôi không được đi tranh thủ. Chúng tôi luôn chia sẻ, động viên nhau làm tốt công việc của mình; khi được nghỉ, tôi dành mọi thời gian cho gia đình để bù lại những lúc xa nhà”.

Còn Thượng úy Đặng Quang Anh, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312) tâm sự: “Tôi rất may mắn có người vợ biết sẻ chia, cảm thông với công việc của chồng, sẵn sàng hy sinh rất nhiều thứ để tôi yên tâm công tác. Từ khi chúng tôi kết hôn đến nay, gần như mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều một tay vợ tôi đảm nhiệm, từ việc chăm sóc gia đình, đối nội, đối ngoại, rồi cũng phải đi làm kiếm tiền nuôi con...

Thấu hiểu nỗi vất vả đó, tôi tự nhủ với lòng mình phải làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tránh xa những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, chi tiêu hợp lý, phấn đấu vươn lên trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Khi nghỉ phép, tranh thủ, tôi quan tâm, yêu thương vợ nhiều hơn, chia sẻ công việc và cùng nhau chăm sóc, dạy bảo các con; thăm hỏi gia đình hai bên để nối liền khoảng cách, vun đắp tình cảm gia đình”.

Thấu hiểu khó khăn của cấp dưới, Trung tá Nguyễn Xuân Minh, Chính ủy Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312) cho biết, đội ngũ cán bộ của đơn vị phần lớn là sĩ quan cấp úy, mức lương còn thấp; vợ chồng cơ bản ở cách xa nhau, vợ một số đồng chí không có việc làm ổn định, phải thuê nhà nên cuộc sống càng thêm vất vả.

Chia sẻ, động viên bộ đội, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 165 thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để anh em yên tâm gắn bó, xây dựng đơn vị, hạnh phúc gia đình. Chỉ huy đơn vị cũng phát huy dân chủ với tinh thần “3 kịp thời” là: Lắng nghe kịp thời, tiếp thu kịp thời, giải quyết kịp thời. Qua đó, kịp thời chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống của cán bộ để giúp anh em làm tròn vai là người con, người chồng, người cha trong gia đình và hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

“Công tác đánh giá, điều động, bổ nhiệm cán bộ ở Trung đoàn 165 được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy trình, dựa trên chất lượng thực hiện nhiệm vụ của từng đồng chí cán bộ cũng là động lực lớn để anh em yên tâm công tác, phấn đấu. Các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ cũng được thực hiện đúng nguyên tắc, đúng người, đúng việc, tạo nên bầu không khí thi đua sôi nổi, khích lệ mỗi đồng chí cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể, góp phần vào thắng lợi chung của đơn vị”, Trung tá Nguyễn Xuân Minh cho biết.

Bài và ảnh: ĐÀO NGỌC LÂM

----------------------------------------------------------------------------------

Giải quyết phép linh hoạt

Lữ đoàn Công binh 414, Quân khu 4 là đơn vị binh chủng, có tỷ lệ sĩ quan, QNCN chiếm trên 50% quân số đơn vị, nhiều đồng chí có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong khi đó, nhiệm vụ của đơn vị mang tính đặc thù, yêu cầu cao. Vì vậy, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải luôn nỗ lực, quyết tâm cao.

Chúng tôi xác định, giải quyết chế độ nghỉ phép, nghỉ tranh thủ là một mặt công tác chính sách hậu phương Quân đội, công tác chính trị tư tưởng. Nếu giải quyết đúng, đủ, kịp thời sẽ có tác dụng rất tốt, vừa giúp cán bộ giải quyết tốt công việc gia đình, vừa khích lệ, động viên và xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có tư tưởng vững vàng, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hoạt động thể dục-thể thao được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 414 duy trì nhằm tạo tâm lý phấn khởi trước ngày ra quân huấn luyện. Ảnh: HUY CƯỜNG 

Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 414 luôn quan tâm, thực hiện tốt, linh hoạt, phù hợp điều kiện công tác thực tế đối với đội ngũ cán bộ, QNCN. Trong đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, chia sẻ và chủ động, linh hoạt trong xem xét giải quyết chế độ phép, tranh thủ; tuyệt đối không áp đặt cứng nhắc hay dừng đi phép cán bộ khi không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cấp, nhất là cấp có thẩm quyền giải quyết đi phép, đi tranh thủ trong việc xem xét, đề nghị phép, tranh thủ cho cán bộ.

Hằng năm, chỉ huy Lữ đoàn và các cơ quan, đơn vị đã tổ chức xây dựng kế hoạch giải quyết chế độ phép, tranh thủ định kỳ cho cán bộ. Từng cán bộ tiến hành đăng ký phép, tranh thủ theo quy định. Trên cơ sở những quy định chung, Lữ đoàn thực hiện nghỉ phép xoay vòng, trải đều trong năm, không để dồn phép vào cuối năm, không để nợ, chậm phép của cán bộ; bởi như thế sẽ bảo đảm quân số cho nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu mà quân nhân vẫn được nghỉ phép. 

Riêng thời gian cao điểm như thời gian đầu ra quân huấn luyện, tháng kết thúc giai đoạn huấn luyện... hạn chế cán bộ đi phép, trừ những trường hợp đặc biệt.

Bên cạnh thời gian nghỉ phép theo chế độ quy định, chỉ huy đơn vị luôn quan tâm giải quyết phép, tranh thủ cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đột xuất như: Gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn, bố mẹ, vợ con ốm đau, mắc các bệnh hiểm nghèo phải nằm viện dài ngày... Nhờ giải quyết linh hoạt chế độ phép, tranh thủ nên cán bộ trong đơn vị luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ huy và yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Thượng tá TRẦN THANH BÌNH, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 414, Quân khu 4)

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

Luôn mong chồng vững tin công tác, phấn đấu

Chồng tôi là Trung úy Trần Thanh Phú, Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9). Do đặc thù nhiệm vụ nơi đảo xa nên anh ít có điều kiện về thăm gia đình, nhất là trong giai đoạn cao điểm huấn luyện hoặc trực các đợt lễ, tết. Hiểu được công việc của chồng phải thường xuyên bám nắm, quản lý bộ đội có lúc áp lực, căng thẳng nên tôi nghĩ rằng bản thân phải thực sự là chỗ dựa, hậu phương vững chắc từ việc quán xuyến công việc gia đình, nuôi dạy, chăm sóc con, vun vén hạnh phúc gia đình; ngoài ra, cần chủ động chia sẻ, gọi điện động viên những lúc khó khăn, vất vả để anh yên tâm công tác.

 Trung úy Trần Thanh Phú và vợ Nguyễn Thị Tuyết Trinh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trước khi quyết định tiến tới hôn nhân, tôi cũng buồn khi nghĩ đến khó khăn, vất vả khi chồng thường xuyên công tác xa nhà, nhưng tôi luôn tin tưởng vào tình yêu của mình và vững tin cùng anh xây dựng gia đình thật hạnh phúc. Chúng tôi kết hôn năm 2023, vừa sinh bé trai đầu lòng nên cả hai vợ chồng rất hạnh phúc. Hằng tháng, hai vợ chồng tiết kiệm chi tiêu các khoản không cần thiết để tập trung chăm sóc con thật tốt. Cũng như các chị em là vợ bộ đội, tôi mong chồng luôn vững tin công tác, mạnh khỏe, phấn đấu thật tốt, dù khó khăn, vất vả đến mấy cũng cố gắng hết sức trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tôi sẽ chờ anh về phép và tin rằng, dù thời gian không dài nhưng đó là khoảng thời gian hạnh phúc, cả gia đình quây quần bên nhau rộn rã tiếng cười.

Chị NGUYỄN THỊ TUYẾT TRINH, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

Nguyện là hậu phương vững chắc

Chồng tôi là Trung úy Lỳ Bá Hùng, Đội trưởng Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Na Ngoi (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An). Chúng tôi cùng là đồng bào dân tộc Mông, là hàng xóm với nhau từ nhỏ. Lớn lên, mỗi người học một nơi nên một thời gian dài không liên lạc với nhau.

Tết năm 2022, anh và tôi gặp lại nhau, cả hai bắt đầu giữ liên lạc, nói chuyện tâm sự đủ thứ, từ những khó khăn trong học tập và cuộc sống đến ước mơ trong tương lai. Theo thời gian, tình cảm của cả hai cũng tăng dần.

 Vợ chồng Trung úy Lỳ Bá Hùng - Và Y Lệ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tháng 8-2023, anh tốt nghiệp ra trường và nhận quyết định công tác tại Đồn Biên Phòng Na Ngoi, còn tôi công tác ở Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Sau thời gian tìm hiểu, anh ngỏ lời muốn hai đứa về chung một nhà và tôi đồng ý. Cuối năm 2023, chúng tôi tổ chức đám cưới.

Cưới xong, anh tiếp tục lên đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, anh được điều động tăng cường cho Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An làm công tác huấn luyện chiến sĩ mới nên nghỉ Tết chưa ấm nhà, anh lại sớm có mặt tại đơn vị để chuẩn bị cho mùa huấn luyện mới. Trong quãng thời gian quen nhau và kể cả bây giờ, phần lớn chúng tôi chỉ gặp nhau, tâm sự với nhau qua màn hình điện thoại. Cứ một tháng đến hai tháng anh mới về thăm nhà một lần.

Nhìn bạn bè cùng trang lứa hay đồng nghiệp xung quanh có chồng ở bên san sẻ mọi công việc, nhiều khi tôi cũng thấy chạnh lòng. Khó khăn trăm bề, đặc biệt là vợ chồng trẻ mới cưới nhưng tôi luôn cố gắng, tự động viên mình vượt lên để trở thành hậu phương vững chắc cho chồng. Bởi hậu phương có vững chắc thì anh mới yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chuẩn bị vào mùa cao điểm huấn luyện, tôi biết anh phải bám nắm bộ đội, đơn vị thường xuyên, ít được về nhà nên mỗi ngày sẽ gọi điện tâm sự, kể vài câu chuyện cười, chuyện trong gia đình để anh nghe, vơi bớt vài phần nhọc nhằn trong công việc; động viên anh toàn tâm toàn ý, chú ý an toàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cuối mỗi tháng, nếu không có ca trực, tôi sẽ sắp xếp thời gian xuống thăm, động viên anh.

Chị VÀ Y LỆ, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.