Theo phản ảnh của gia đình bà Phương Thị Lắm và gia đình ông Nguyễn Văn Đông cùng trú tại thôn Bình Sơn, ngày 20-9-2007, họ được UBND huyện Hoài Ân giao quyền sử dụng 30ha đất (mỗi hộ 15ha) thuộc lô 19, khoảnh 6, Tiểu khu 157, thôn Bình Sơn để trồng rừng sản xuất. Cả hai hộ dân đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời hạn 50 năm (từ tháng 9-2007 đến tháng 9-2057). Sau khi nhận đất rừng, các hộ dân đã khai hoang, đầu tư trồng cây keo lai.
Mọi việc đang suôn sẻ thì ngày 6-5-2009, với lý do “đất giao không đúng mục đích sử dụng”, UBND huyện Hoài Ân đã ban hành quyết định thu hồi 30ha đất trồng rừng sản xuất của hộ ông Đông và hộ bà Lắm. Thế nhưng, mãi đến ngày 5-2-2013 (tức 4 năm sau, kể từ ngày UBND huyện Hoài Ân ban hành quyết định thu hồi đất), UBND tỉnh Bình Định mới ban hành Quyết định số 396/QĐ-UBND về việc “Giao 30ha đất rừng cho Ban quản lý rừng phòng hộ Hoài Ân quản lý”. Càng phi lý hơn, từ năm 2007 đến nay, gia đình bà Lắm và gia đình ông Đông vẫn quản lý, sử dụng diện tích đất rừng nêu trên. Cụ thể, hai hộ dân tiếp tục đầu tư chăm sóc rừng và vẫn lưu giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cuối năm 2012, hai gia đình đã ký kết hợp đồng mua bán gỗ keo lai với ông Trần Thanh Tâm, trú tại thôn Thạch Long, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, với tổng trị giá hợp đồng mua bán là 1 tỷ 320 triệu đồng. Ngày 16-10-2014, ông Tâm tổ chức khai thác 5,95m3 gỗ tròn trên diện tích hợp đồng mua bán keo lai và thuê ông Phạm Ngọc Độ, trú tại xã Ân Nghĩa vận chuyển từ rừng ra thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Trong quá trình chuyển số gỗ trên, Hạt kiểm lâm huyện Hoài Ân đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ 5,95m3 gỗ keo lai và phương tiện. Ngày 14-10-2015, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 3601/QĐ-XPVPHC, xử phạt ông Phạm Ngọc Độ 60 triệu đồng và tịch thu xe tải vì có hành vi điều khiển ô tô vận chuyển gỗ trái pháp luật. Cùng với đó là Quyết định số 602/QĐ-XPVPHC, xử phạt ông Trần Thanh Tâm 167 triệu đồng, tịch thu 5,95m3 gỗ. Mặc dù trước đó, liên quan đến việc xác định quyền lợi của các hộ dân trồng 30ha rừng, ngày 14-6-2012, UBND huyện Hoài Ân đã có Thông báo số 33/TB-UBND, thông báo kết luận của ông Phan Thanh Liêm, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân nêu rõ: “Hộ gia đình bà Lắm, ông Đông có trách nhiệm quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng đã trồng; xây dựng phương án khai thác và hưởng lợi theo quy định của pháp luật”.
Rừng keo lai 8 năm tuổi do hộ ông Đông và hộ bà Lắm trồng, đầu tư, chăm sóc nhưng khi khai thác và tiêu thụ lại bị xử phạt.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Bình, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân cho rằng, việc xử phạt như trên là không thỏa đáng, vì đó là gỗ khai thác từ rừng sản xuất của người dân. Hơn nữa, các quyết định thu hồi đất, giao 30ha đất của huyện Hoài Ân và tỉnh Bình Định cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân đến nay vẫn chưa được thực thi. UBND huyện Hoài Ân ban hành quyết định thu hồi đất, nhưng không xử lý tài sản trên đất theo quy định của pháp luật về thu hồi đất. Khi chúng tôi hỏi, 5,95m3 gỗ tròn chủng loại keo lai là thuộc sở hữu của Ban quản lý rừng phòng hộ Hoài Ân hay sở hữu của các hộ dân thì ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hoài Ân không giải thích được.
Ông Lê Hồng Chiêm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Ân, khẳng định: Đến nay, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân vẫn chưa được thu hồi, việc thực hiện đền bù tài sản trên đất và giá trị về đất cho người dân vẫn chưa được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện cho các hộ dân khai thác 30ha rừng keo lai đã đầu tư, sau đó mới thực hiện thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, các hộ dân hoàn toàn có quyền hưởng lợi từ 30ha rừng trồng. Cụ thể, có quyền được khai thác rừng, được bán lâm sản theo đúng quy trình khai thác rừng sản xuất (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp). Trong trường hợp UBND huyện Hoài Ân thu hồi đất giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Hoài Ân thì phải tiến hành đền bù tài sản trên đất, đền bù giá trị đất theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định cần xem xét lại các quyết định xử phạt hành chính đối với ông Phạm Ngọc Độ và ông Trần Thanh Tâm. Đồng thời, chính quyền huyện Hoài Ân cần tạo điều kiện cho gia đình ông Nguyễn Văn Đông và gia đình bà Phương Thị Lắm khai thác 30ha keo lai theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.
Bài và ảnh: ĐÔNG HẢI