Một trong những điểm gây tranh luận đó là tại điểm 3, Điều 27: “Quy tắc sử dụng đèn của phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông” quy định: "Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”. Quy định này được lý giải là nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông; một số nước trên thế giới đã thực hiện quy định này.
Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo cho rằng, mục đích quy định tại điểm 3, Điều 27 là tốt tuy nhiên khó khả thi trong thực tế và cần được xem xét kỹ. Giao thông ở Việt Nam có những điểm khác biệt với các nước đã áp dụng quy định này, trong đó nổi bật là xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy (2 bánh) là chủ yếu và các phương tiện này tham gia chung đường với ô tô (trừ các cao tốc). Bởi thế, nếu ban ngày, các phương tiện đồng loạt bật đèn nhận diện, đèn chiếu gần, đèn đỏ phía sau… nhìn rất tức mắt, nhất là trong thành phố. Trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng như ở nước ta, sự khúc xạ, phản quang ánh sáng càng làm cho người tham gia giao thông khó chịu, thậm chí xảy ra hiện tượng ô nhiễm ánh sáng. Với các trục đường hai chiều (ngược, xuôi) việc bật đèn như vậy chưa chắc đã có hiệu quả tốt.
Có ý kiến cho rằng, một số nước áp dụng quy định này là do phù hợp với khí hậu lạnh, ẩm, sương mù khiến tầm nhìn bị hạn chế. Trong khi thời tiết ở nước ta, sương mù chỉ xảy ra ở vùng cao và một số ngày mùa đông ở miền Bắc. Bởi vậy, nếu có áp dụng quy định này thì nên nghiên cứu cụ thể cho những vùng nào nhất định. Hoặc cơ quan chức năng nên thí điểm ở một vùng để đánh giá hiệu quả trước khi áp dụng đại trà. Bởi khi đã là quy định thì phải thực hiện và có chế tài xử phạt nếu không thực hiện. Khi quy định ra đời, với hàng chục triệu phương tiện 2 bánh này, lực lượng chức năng rất khó giám sát, xử lý vi phạm. Khi không xử lý được thì quy định lại trở thành mất tính khả thi, “nhờn luật”.
Chúng tôi cho rằng, khi đưa ra một quy định, đặc biệt là luật, cơ quan xây dựng phải khảo sát, tính toán rất khoa học, kỹ càng để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. Tránh tình trạng luật ra đời chưa được bao lâu thì lại phải sửa đổi hoặc bãi bỏ. Trên thực tế người tham gia giao thông nước ta hiện nay đang phải chịu một “cực hình” đó là tình trạng người sử dụng ô tô, xe máy bật đèn pha chiếu sáng xa vô tội vạ; nhiều lái xe bật đèn pha ngay trong thành phố đông đúc; đèn chiếu sáng bị độ chế với cường độ ánh sáng vượt nhiều lần cho phép, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện đối diện. Đáng nói là lực lượng chức năng không thể giám sát, xử lý xuể tình trạng trên. Nếu thêm quy định bật đèn này nữa mà không giám sát, xử phạt vi phạm tốt thì việc tham gia giao thông sẽ càng khó kiểm soát.
NGUYỄN HÀ MY (Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội)