Không chỉ giúp tiết kiệm quỹ đất ngày càng bị thu hẹp do tốc độ gia tăng dân số, việc phát triển chung cư còn góp phần tạo kiến trúc, cảnh quan đô thị khang trang, môi trường xanh, sạch đẹp, hướng đến cuộc sống văn minh, hiện đại.
 |
Còn nhiều bất cập trong quản lý chung cư tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trước sự phát triển mạnh mẽ của mô hình chung cư cao tầng, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kèm theo… làm căn cứ điều chỉnh hầu hết các hoạt động có liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư nhưng trong thời gian qua, tại một số địa phương, vẫn còn xảy ra tranh chấp, khiếu nại trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Các tồn tại, tranh chấp, khiếu nại liên quan đến một số vấn đề như: Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị; đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành; xác định sở hữu chung-riêng; thu chi tài chính, quy chế hoạt động của Ban quản trị; giá dịch vụ nhà chung cư; không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý vận hành;…
Để khắc phục những bất cập này, việc hoàn thiện hành lang pháp lý một cách đầy đủ, đồng thời đảm bảo phù hợp với những chuyển động của thực tế là vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Xây dựng cần rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật sao cho phù hợp với thực tế; chú trọng việc tổ chức thực hiện và xử phạt nghiêm những vi phạm trong quản lý nhà chung cư. Có như thế, việc quản lý chung cư tại Việt Nam mới thực sự tháo gỡ được các nút thắt.
NGUYỄN NHƯ KHIÊM (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh)