Thời gian gần đây, địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xuất hiện mô hình nuôi lươn mới, đó là nuôi lươn trong can nhựa. Đây là mô hình mang tính đột phá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Người đi đầu trong phong trào này là ông Bùi Tấn Thịnh ở phường 4, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thịnh cho biết: "Cách đây 8 năm, khi bắt đầu nuôi lươn, tôi đầu tư xây bể, tốn kém không ít kinh phí, nhưng hiệu quả chẳng được là bao. Sau một thời gian thì trắng tay vì tỷ lệ hao hụt cao. Thất bại, nhưng không nản chí, năm 2013, tôi bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi lươn trong can nhựa dưới môi trường nước tự nhiên, đến nay đã mang lại hiệu quả rất khả quan. Vụ lươn vừa rồi, với 24 can nhựa, tôi thu hoạch được 310kg lươn thương phẩm, với giá bán trung bình 160.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí cũng thu lãi được gần 30 triệu đồng". Ông Bùi Tấn Thịnh thu hoạch lươn nuôi trong can.
Theo ông Thịnh, để thực hiện mô hình này cần có những chiếc can nhựa và khoan nhiều lỗ xung quanh, mỗi lỗ 10mm và chia đều từ 5 đến 7 hàng từ trên xuống, sau đó xỏ các thanh tre có chiều dài khoảng 4-5cm để lươn quấn vào sinh trưởng. Các lỗ xung quanh có tác dụng cung cấp ô-xy để lươn không bị ngạt. Sau đó đem các can nhựa treo cố định dưới một khung tre hình chữ nhật đặt dưới nước khoảng 40-50cm, các can nuôi cách mặt nước 20-30cm, như vậy lươn được sống trong môi trường tự nhiên. Với cỡ lươn giống 30-40 con/kg, thức ăn của lươn là hỗn hợp thịt ốc xay nhuyễn trộn với thức ăn viên nuôi cá có độ đạm 30-40%, cho ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều. Với cách nuôi này, người nuôi không cần phải thay nước cho lươn nên đỡ tốn công chăm sóc, đỡ tốn thức ăn và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, lươn phát triển tự nhiên, có màu vàng và bóng, tỷ lệ hao hụt gần như bằng 0. Khi lươn đạt trọng lượng 300-400g/con là có thể thu hoạch. Trung bình mỗi can nhựa nuôi được khoảng 1kg lươn giống và sau thời gian khoảng 8 tháng có thể đạt 15-16kg lươn thành phẩm.
Được biết, hiện nay một số nhà hàng đặc sản ở các địa phương như: Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… đã đến đặt hàng với ông Thịnh. Để đủ nguồn cung ứng cho khách hàng, ông Thịnh đã mở rộng, nuôi thêm 32 can nhựa và đang nghiên cứu dùng các thùng nhựa hình trụ để làm giàn khung treo các can nhựa thay cho khung tre. Với vật liệu mới này, ước tính chỉ cần 3 thùng nhựa là có thể treo được khoảng 120 can lươn.
Bài và ảnh: THÚY AN