Gia đình ông Đặng Văn Nhất (xem ảnh) ở thôn Thụy Dương, xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ có hơn 100 gốc nhãn chất lượng cao với các giống nhãn: Hương Chi, Khoái Châu, T6.
Năm nay, nhờ chăm bón tốt và thời tiết thuận lợi nên sản lượng nhãn nhà ông đạt khoảng 2 tấn, giá trị từ 50 đến 60 triệu đồng. Theo ông Nhất, những năm trước đây, cứ vào vụ nhãn chín, các gia đình thường phải lo trẻ nhỏ hái trộm nhãn và dơi, chuột phá hoại, nhưng năm nay, họ không còn phải bận tâm vì những vấn đề này nữa dù nhãn rất ngon và các chùm nhãn chỉ thấp ngang người. Ông Nhất cho biết: “Cuộc sống ngày càng ấm no, đầy đủ nên trẻ nhỏ không thiếu hoa quả, bánh kẹo, các loại sữa. Vì thế, nếu thích ăn chúng cũng chỉ hái một vài quả. Còn việc xuất bán nhãn, người mua tự đánh xe tải đến tận vườn thu hái”.
Được biết, khoảng 10 năm trở lại đây, người trồng nhãn ở tỉnh Hưng Yên đã không còn phải vất vả sớm khuya để trông nom và tìm đầu ra cho quả nhãn. Nhằm đưa quả nhãn đặc sản của quê hương đi xa hơn, vươn ra thị trường quốc tế, các cấp, ngành của tỉnh Hưng Yên đã hướng các hộ trồng nhãn trong tỉnh trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, 20ha nhãn ở xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc. Nhãn liên tiếp được mùa, giá nhãn cao và với hướng đi bền vững trên càng giúp người dân quê nhãn thêm gắn bó với giống cây đặc sản để làm giàu cho quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN