Chủ nhân của ngôi nhà ấy là ông Huỳnh Văn Mười, người con của làng chài, cả đời gắn bó với biển cả và nước mắm truyền thống. Hơn một thập kỷ qua, ông Mười đã miệt mài sưu tầm những hiện vật gắn liền với cuộc sống của ngư dân, từ chiếc thúng chai, tấm lưới đến chum sành ủ mắm.

Trong căn nhà giản dị của mình, ông đã tạo dựng một không gian trưng bày sống động, nơi mỗi món đồ đều kể lại một câu chuyện về những ngày tháng mưu sinh trên biển của cha ông.

Ông Huỳnh Văn Mười bên những kỷ vật của làng chài xưa, nơi ông dành hơn một thập kỷ sưu tầm và lưu giữ.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề biển, từ nhỏ, ông Mười đã quen thuộc với hình ảnh mẹ gánh cá ra chợ, cha dãi dầu trên những con sóng. Nhưng thời gian trôi qua, đô thị hóa nhanh chóng làm thay đổi diện mạo làng chài. Nhiều gia đình bỏ nghề, những ngư cụ từng gắn bó với bao thế hệ dần vắng bóng. Trăn trở trước nguy cơ mai một của nghề biển, ông bắt đầu hành trình đi khắp nơi sưu tầm những kỷ vật của làng chài với mong muốn giữ lại hồn cốt quê hương.

Một trong những góc đặc biệt nhất trong nhà trưng bày của ông Mười chính là xưởng sản xuất mắm truyền thống. Không giống như các cơ sở sản xuất công nghiệp, quy trình làm mắm của ông vẫn giữ trọn vẹn tinh thần xưa cũ: Tỉ mỉ lựa chọn nguyên liệu, ủ cá trong những chum sành, chắt lọc từng giọt nước mắm nguyên chất. Với ông, đây không chỉ là một nghề mưu sinh mà còn là niềm tự hào về tinh hoa ẩm thực Việt. “Làm nước mắm là cả một nghệ thuật, không đơn thuần chỉ là ủ cá với muối. Mắm ngon phải có thời gian, có sự tỉ mỉ và cái tâm của người làm nghề”, ông Mười chia sẻ.

Không ít đoàn học sinh, du khách đến ngôi nhà của ông để tìm hiểu về nghề biển. Được tận mắt chứng kiến những ngư cụ xưa cũ, nghe ông kể chuyện làng chài, họ thêm hiểu và trân trọng công sức của những người gắn bó cả đời với biển. Ông Mười không chỉ lưu giữ những kỷ vật mà còn là người truyền cảm hứng để thế hệ sau không quên cội nguồn, không quên những giá trị được hun đúc qua bao thế hệ ngư dân.

Không dừng lại ở việc lưu giữ kỷ vật, ông Mười còn ấp ủ kế hoạch dựng mô hình thu nhỏ của làng chài xưa ngay trong khuôn viên nhà mình. Ông hy vọng thông qua những hình ảnh tái hiện đời sống lao động của cha ông, thế hệ sau sẽ cảm nhận rõ hơn về nghề biển, về sự vất vả nhưng cũng đầy tự hào của những người con vùng duyên hải.

Dẫu biết rằng sự phát triển của xã hội mang đến nhiều thay đổi, nhưng những gì ông Mười đang làm chính là một lời nhắc nhớ, dù thời gian trôi đi, nhưng hồn cốt làng chài vẫn cần được giữ gìn và trân trọng.

Bài và ảnh: THU HƯƠNG     

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.