Đại tá, Tiến sĩ CAO NGỌC BÁU, Phó giám đốc Thường trực Trung tâm Giáo dục QPAN, Đại học Cần Thơ:
Nội dung, mục đích khác nhau rất nhiều
Theo quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục QPAN trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học là 165 tiết (gồm 4 học phần). Trong đó, đào tạo cao đẳng sư phạm và đại học học đủ 4 học phần; trung cấp sư phạm học 2 học phần.
 |
Chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5 và các lực lượng hành quân ra thao trường tham gia diễn tập hiệp đồng quân binh chủng, tháng 9-2024. Ảnh: AN KHANG |
Nội dung, mục đích của môn học này với việc thực hiện NVQS có điểm giống nhau: Giúp thanh niên luôn có tinh thần cảnh giác cao trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác QPAN; rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, hình thành lối sống kỷ luật, có ý thức tự giác và tác phong nhanh nhẹn; sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các hoạt động góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; có ý thức, trách nhiệm trong xây dựng LLVT nhân dân, chiến tranh nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường, củng cố QPAN.
Tuy nhiên, thực hiện NVQS là quá trình huấn luyện trong thời gian dài (2 năm), đòi hỏi tính kỷ luật, rèn luyện với cường độ cao để nâng cao sức khỏe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sử dụng thành thạo các loại vũ khí trong biên chế, có khả năng chiến đấu độc lập, chuyên sâu và khả năng hiệp đồng tác chiến chặt chẽ... Hằng năm được kiểm tra trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) thông qua diễn tập-là hình thức huấn luyện cao nhất, toàn diện, sát thực tế chiến đấu.
Trong khi đó, giáo dục QPAN cho HSSV, thời gian tập trung huấn luyện 4 tuần với nội dung đáp ứng bước đầu về kiến thức, kỹ năng quân sự để sẵn sàng thực hiện NVQS bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, đề xuất tổ chức lại môn Giáo dục QPAN để khi tốt nghiệp, sinh viên cao đẳng, đại học không phải thực hiện NVQS là không sát thực tế. Bởi mục đích của môn Giáo dục QPAN và thực hiện NVQS bảo vệ Tổ quốc là khác nhau; đối tượng cũng khác nhau. Quan trọng hơn, để đáp ứng nhiệm vụ của Quân đội, chiến sĩ phải huấn luyện nhiều nội dung trong thời gian dài, cường độ cao với nhiều kỹ năng quân sự chuyên sâu, toàn diện, sát với chiến đấu thì mới có khả năng hoàn thành nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu thắng lợi.
-----------------------
Trung tá NGÔ ANH TÚ, Chính ủy Ban chỉ huy phòng thủ khu vực 4-Triệu Phong, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị:
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng
Thực hiện NVQS là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của công dân đối với Tổ quốc. Công dân nhập ngũ là nguồn nhân lực quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại; SSCĐ, hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đối với thanh niên, NVQS không chỉ là sự cống hiến mà còn là quá trình rèn luyện trong môi trường kỷ luật nghiêm minh để trưởng thành, sống có trách nhiệm hơn. Nhập ngũ còn là niềm tự hào, là cơ hội thể hiện lòng yêu nước và khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước.
Có thể khẳng định, mục đích, ý nghĩa, nội dung huấn luyện hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và giảng dạy môn Giáo dục QPAN đối với HSSV là hai hình thức hoàn toàn khác nhau. Thời lượng, nội dung môn học này không nhiều và chủ yếu mang tính giáo dục định hướng. Trong khi đó, huấn luyện hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ là quá trình giáo dục, rèn luyện toàn diện, giúp người chiến sĩ có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực, SSCĐ và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Các đơn vị Quân đội phải tổ chức huấn luyện cơ động, dã ngoại dài ngày, huấn luyện đêm, huấn luyện cường độ cao, huấn luyện theo nhiệm vụ, tình huống, tổ chức diễn tập...
Bên cạnh đó, chiến sĩ còn đảm nhiệm trực ban, trực chiến, tuần tra canh gác, SSCĐ, tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh... Vì thế, đề xuất tổ chức lại môn Giáo dục QPAN để khi tốt nghiệp, sinh viên cao đẳng, đại học không phải thực hiện NVQS là không phù hợp. Hơn nữa, miễn thực hiện NVQS cho sinh viên cao đẳng, đại học sau khi học môn Giáo dục QPAN sẽ làm mất đi ý nghĩa thực tiễn, trực tiếp của công tác huấn luyện chiến đấu; làm mất đi nguồn nhân lực có trình độ văn hóa cao nhập ngũ xây dựng Quân đội; làm suy giảm chất lượng nguồn quân nhân dự bị, điều rất quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
------------------------
Trung tá NGUYỄN ĐÌNH SƠN, Phó chính ủy Ban chỉ huy phòng thủ khu vực 2-Krông Buk, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk:
Không thể tích hợp hai mục tiêu vào một chương trình
Huấn luyện NVQS hướng đến việc đào tạo chiến sĩ có khả năng thực chiến cao, trực tiếp tham gia bảo vệ Tổ quốc; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn... Vì thế, công dân tham gia huấn luyện trong thời gian thực hiện NVQS có tính chuyên sâu, khắc nghiệt hơn rất nhiều, đòi hỏi rèn luyện thể chất và tinh thần ở mức độ cao. Trong khi đó, giáo dục QPAN nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kỹ năng phổ thông về QPAN cho HSSV để chuẩn bị cho việc thực hiện NVQS, sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Do đó, việc tích hợp hai mục tiêu này vào một chương trình học ngắn gọn tại các trường cao đẳng, đại học là không thể để đạt được hiệu quả tương đương. Hơn nữa, các trường đại học không có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... như trong Quân đội để đào tạo được những quân nhân có đủ phẩm chất và năng lực chiến đấu. NVQS không chỉ rèn luyện kỹ năng, khả năng SSCĐ của quân nhân mà còn là quá trình giáo dục ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật và lòng yêu nước sâu sắc. Việc bỏ qua giai đoạn này có thể làm suy giảm những giá trị đó; gây ra sự bất bình đẳng trong thực hiện NVQS.
-------------------------
Trung sĩ TRẦN QUANG THÔNG, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 5, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, Quân khu 7:
Thực hiện nghĩa vụ quân sự đem lại nhiều ý nghĩa
Tôi học môn Giáo dục QPAN trong một tháng khi còn là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và được làm quen với nền nếp, chế độ sinh hoạt trong ngày, trong tuần cùng những kiến thức về quân sự như tháo lắp súng tiểu liên AK, điều lệnh đội ngũ, thể dục tay không... Kết thúc khóa học, chúng tôi trở lại là những sinh viên với cuộc sống tự do.
Trở thành chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, được học tập, rèn luyện trong môi trường kỷ luật, nhiều nội dung, khoa mục chuyên sâu... tôi thấy Quân đội là môi trường lớn để giáo dục, rèn luyện nhân cách con người. Ngoài các kỹ năng, sức khỏe, bản lĩnh, tôi còn cảm nhận rõ tình cảm của đồng chí, đồng đội khi luôn giúp đỡ, động viên nhau trong những lúc khó khăn, gian khổ, coi “đơn vị là nhà, đồng đội là anh em”, cùng nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi nhận thấy, thực hiện NVQS là niềm vinh dự, tự hào và là trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc; NVQS không thể thay thế bằng môn Giáo dục QPAN hay nghĩa vụ nào khác.
------------------------
Binh nhất HOÀNG TẤN MINH, chiến sĩ Tiểu đội 5, Trung đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu 1:
Nghĩa vụ quân sự giúp trưởng thành mọi mặt
Quá trình học tập tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, tôi được học môn Giáo dục QPAN. Tôi được trang bị kiến thức lý thuyết về đường lối QPAN của Đảng, Nhà nước; kỹ năng cơ bản về quân sự như điều lệnh đội ngũ, bắn súng và một số kỹ năng phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, thời gian học ngắn nên môn học này chỉ mang tính giáo dục, cung cấp cái nhìn tổng quan về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tốt nghiệp đại học, tôi tạm gác việc riêng, tình nguyện viết đơn nhập ngũ và trở thành chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong môi trường quân ngũ, tôi được học tập, rèn luyện toàn diện về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, thể chất, ý chí và tinh thần kỷ luật. Tôi thấy bản thân trưởng thành vượt bậc, hình thành tính kiên nhẫn, ý chí vượt khó, khả năng thích nghi cao và tinh thần trách nhiệm. Tôi học được cách tự lập, sống có tổ chức, biết sẻ chia và quan tâm đến đồng đội. Tôi không đồng tình với đề xuất tổ chức lại môn Giáo dục QPAN để sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học không phải thực hiện NVQS. Bởi vì, hai hình thức này có mục tiêu và mức độ rèn luyện hoàn toàn khác nhau; làm mất cơ hội rèn luyện toàn diện cho thanh niên, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực cho Quân đội. Hơn nữa, NVQS không chỉ đơn thuần là học kỹ năng mà còn là quá trình tôi luyện ý chí, đạo đức và tinh thần khả năng SSCĐ của quân nhân.
-------------------------
Binh nhất TRẦN VĂN PHÚC, chiến sĩ Tiểu đội 8, Trung đội 9, Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 8, Sư đoàn 395, Quân khu 3:
Không dễ để trở thành người chiến sĩ thực thụ
Tôi không tán thành với ý kiến tổ chức lại môn Giáo dục QPAN để khi tốt nghiệp, sinh viên cao đẳng, đại học không phải thực hiện NVQS. Môn học này rất ý nghĩa nhưng nội dung, thời lượng học tập không thể giúp sinh viên trở thành một chiến sĩ thực thụ. Môi trường quân sự mang tính đặc thù, đòi hỏi kỷ luật cao, sử dụng thành thạo một số loại vũ khí, kỹ năng chiến đấu, sinh tồn và hơn hết là trở thành một quân nhân cách mạng. Vì thế, mỗi chiến sĩ không chỉ được huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu mà còn được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức để thực hiện các mặt công tác của Quân đội. Có như thế, người chiến sĩ mới biết chiến đấu vì ai, vì mục đích gì và bản lĩnh, dũng cảm, biết cách vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.