Lật lại trang sử đấu tranh cách mạng của công nhân Sài Gòn xưa (nay là TP Hồ Chí Minh), không thể không nhắc đến phong trào của công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son. Nhà máy đóng tàu Ba Son trở thành cái nôi của phong trào Công hội đỏ, nơi ươm mầm các chiến sĩ cách mạng cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp. Minh chứng là 12 cán bộ, công nhân của nhà máy (Cảng Ba Son) đã được đặt tên đường ở TP Hồ Chí Minh, như: Đường Tôn Đức Thắng, đường Lý Chính Thắng, đường Nguyễn Văn Nghi...

leftcenterrightdel
 Cây cầu đang được xây dựng trên nền đất của Nhà máy đóng tàu Ba Son.

Nhà máy đóng tàu Ba Son sau này được giao cho Quân đội nhân dân Việt Nam quản lý và tiếp tục lập nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, được nâng cấp thành Tổng công ty Ba Son. Do yêu cầu nhiệm vụ mà Tổng công ty Ba Son đã phải di dời đi nơi khác, nhường chỗ cho một cây cầu đẹp và hiện đại.

Nhân dân TP Hồ Chí Minh, các thế hệ người thợ Ba Son sẽ rất vui mừng, rất tự hào nếu cây cầu mới xây trên khu đất “Nhà máy Ba Son” bắc qua TP Thủ Đức được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh quyết định đặt tên là “Cầu Ba Son”. “Cầu Ba Son” sẽ trở thành cái tên thân thương không chỉ đối với người dân TP Hồ Chí Minh, ngành tàu thủy, giai cấp công nhân Việt Nam mà còn đối với ngành cơ khí đóng tàu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Gắn tên Ba Son lên cây cầu mới là dấu ấn rất đậm cho lịch sử TP Hồ Chí Minh, bởi tên cây cầu sẽ luôn nhắc về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam, trong đó có Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng câu nói: “Sung sướng nhất đời tôi là làm thợ Ba Son và hoạt động cách mạng”.

Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN DŨNG (TP Hồ Chí Minh)