Quá trình áp dụng điều này nảy sinh những tình huống mới gây tranh cãi khi áp dụng. Qua thực tiễn công tác, người viết đề nghị bổ sung thêm trường hợp vào điểm này.

Thực tiễn áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự liên quan đến số phận của người bị buộc tội và quyền lợi chính đáng của bị hại nhưng do có những nhận thức khác nhau hoặc về văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ nên gây ra tranh luận. Ví dụ, trường hợp N.V.Đ sinh năm 1947, ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang bị xét xử về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Tòa án nhân dân huyện áp dụng Điểm C, Khoản 2 Điều 146 BLHS xử phạt 30 tháng tù vì: Ngày 23-7-2018 tại nhà của N.V.Đ, đối tượng N.V.Đ đã có hành vi dâm ô các cháu H.T.M, sinh năm 2011 và H.T.P, sinh năm 2014.

N.V.Đ kháng cáo xin được hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm, N.V.Đ xuất trình các tài liệu đã thực hiện xong phần bồi thường 25 triệu đồng. UBND xã, hội cựu chiến binh xã có xác nhận đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng cáo. Đại diện bị hại chỉ đồng ý giảm hình phạt tiếp cho N.V.Đ nhưng không cho hưởng án treo. 

Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Sau phiên tòa phúc thẩm, có những ý kiến tranh luận như sau: N.V.Đ được tòa xử cho hưởng án treo là có căn cứ, vì bị cáo đã hội tụ các điều kiện được áp dụng Điều 65 BLHS và theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018, của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo tại Điểm 5, Điều 3 chỉ giới hạn những trường hợp không cho hưởng án treo đối với “người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi. Với tình tiết “phạm tội với hai người trở lên” thì Nghị quyết số 02 không quy định.

Ngược lại có ý kiến cho rằng: Tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội với hai người trở lên” trong vụ án này là phạm tội nhiều lần vì N.V.Đ có hành vi lần lượt dâm ô với từng cháu đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “dâm ô”. Theo hướng dẫn chuyên môn, phạm tội nhiều lần là có từ hai lần phạm tội trở lên mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Khoản 1 điều luật tương ứng; đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong BLHS sửa đổi năm 2017 có nhiều tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người có quy định tình tiết định khung tăng nặng: “Phạm tội đối với hai người trở lên”. Thông thường diễn biến của tình tiết này là người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội đó với người này xong rồi tiếp tục thực hiện với người kia, có thể là thực hiện ngay sau đó. Ví dụ giết xong người này phát hiện có người khác lại thực hiện hành vi giết tiếp. Về khoảng cách thời gian không nhất thiết phải thực hiện liền đó hoặc ngay sau đó. Nhưng cũng có trường hợp người thực hiện hành vi chỉ một lần cũng bị coi là phạm tội đối với hai người trở lên. Ví dụ A và B có mâu thuẫn, A tìm cách giết B. Thấy C chở B trên xe mô tô, A dùng súng bắn một phát nhưng viên đạn đã “xuyên táo” làm cả hai người tử vong. Như vậy, tuy A không bị coi là phạm tội nhiều lần nhưng vẫn thuộc trường hợp phải xử lý về tội giết người với khung tăng nặng theo Điểm a, Khoản 1 Điều 123 BLHS “giết hai người trở lên”.

Sẽ không công bằng giả sử A trộm cắp tài sản lần thứ nhất được 2 triệu đồng, cùng ngày trộm cắp lần thứ hai tài sản trị giá 3 triệu đồng. Tuy phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, nhưng A bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội hai lần trở lên” nên A không thuộc đối tượng được hưởng án treo.

Từ thực tiễn nêu trên, xin đề xuất nên bổ sung trường hợp phạm tội “đối với hai người trở lên” vào Điểm 5, Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS. 

Luật gia NGUYỄN THÀNH MINH, Chi hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang