Hằng quý, Ban CHQS huyện phối hợp với địa phương thăm, tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống.
 |
Đại diện Ban CHQS huyện Kiên Lương (Kiên Giang) thăm, tặng quà ông Danh Thường. |
Ông Danh Thường, người dân tộc Khmer, sinh năm 1962, ở xã Bình An, thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Năm 2018, trong một lần đi làm thuê, ông Thường bị tai nạn giao thông và liệt hai chân. Nhận được 20kg gạo và phần quà trị giá 300.000 đồng do Ban CHQS huyện hỗ trợ, ông Thường xúc động chia sẻ: “Tôi không có vợ con, hằng ngày phải đi làm thuê và nương tựa vào gia đình người em. Giờ bị tai nạn, không làm được nữa, tôi chỉ trông chờ vào trợ cấp hằng tháng của địa phương, nay được các anh tặng quà, tôi rất biết ơn sự quan tâm này”. Còn trường hợp của anh Hứa Văn Cốm, sinh năm 1972, ở xã Kiên Bình, vợ mất năm 2021, một mình chạy vạy nuôi 3 con nhỏ ăn học, hằng ngày, anh Cốm đi làm thuê đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi con. Anh Cốm cho biết: “Đứa lớn đang học lớp 6, đứa kế thì học lớp 2 và đứa út gần một tuổi. Biết tôi khó khăn nên đứa nào cũng cố gắng học hành, chăm ngoan. Mỗi khi đi làm, tôi gửi mấy đứa nhỏ nhờ gia đình người em ở gần đó trông hộ. Được các anh tặng gạo, hỗ trợ tiền, tôi rất biết ơn và cố gắng làm việc để các con có điều kiện học hành tốt hơn”.
Để có kinh phí duy trì mô hình, Ban CHQS huyện vận động sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ và nhà hảo tâm trong, ngoài huyện. Trung tá Đoàn Hữu Hoàng, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện cho biết: “Trước hết, chúng tôi tuyên truyền để anh em thấy được ý nghĩa, giá trị nhân văn của mô hình. Cách làm của chúng tôi là bố trí một hũ đựng gạo tại bếp, hằng ngày trích lại từ 1 đến 2kg, đến thời gian thì lấy số gạo đó tặng các gia đình khó khăn. Thấy mô hình của chúng tôi thực hiện hiệu quả, nhiều mạnh thường quân còn ủng hộ, đồng hành với chúng tôi khi có dịp đi thăm các gia đình”.
Tính đến nay, mô hình dân vận khéo “Chung tay chăm sóc địa chỉ nhân đạo” đã tặng nhiều phần quà trị giá hơn 50 triệu đồng cho các địa chỉ nhân đạo và những hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Ông Lê Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kiên Lương cho biết: “Sự chung tay của Ban CHQS huyện là rất kịp thời vì bà con nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, thu nhập rất bấp bênh. Để mưu sinh, nhiều người trẻ tuổi bỏ xứ đi làm thuê, chủ yếu người lớn tuổi và trẻ nhỏ không có khả năng lao động là ở lại. Nếu không có sự chung tay kịp thời thì bà con rất túng quẫn”.
Bài và ảnh: HỮU TÀI