Nghề làm gốm tại Bát Tràng đã có từ thế kỷ 14, được biết đến không chỉ là một ngành sản xuất mà còn là nghệ thuật phản ánh sự tinh tế và sáng tạo của người dân nơi đây. Làng gốm Bát Tràng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa Việt Nam.

Sản xuất sản phẩm gốm sứ tại lò gốm Hương Hiền, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. 

Hiện nay, hơn 200 doanh nghiệp và khoảng 1.000 gia đình ở làng gốm Bát Tràng đang tham gia sản xuất gốm, với các sản phẩm đa dạng từ vật dụng gia đình đến các tác phẩm nghệ thuật, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Điều này không chỉ giúp bảo tồn nghề truyền thống mà còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Ông Nguyễn Xuân Hiền, chủ lò gốm Hương Hiền (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cho biết: "Bảo tồn nghề gốm Bát Tràng là việc quan trọng để giữ gìn giá trị văn hóa và phát triển kinh tế địa phương. Một cách bảo tồn hiệu quả là kết hợp kỹ thuật làm gốm thủ công với thiết kế sáng tạo để sản phẩm vừa mang đậm nét truyền thống, vừa phù hợp với nhu cầu hiện đại." Ngoài ra, việc quảng bá gốm Bát Tràng qua các lễ hội, triển lãm và tour du lịch cũng giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị nghề truyền thống. Đặc biệt, du khách không chỉ tham quan mà còn có thể trải nghiệm quy trình làm gốm, tạo ra sản phẩm mang dấu ấn cá nhân. Chính quyền và cộng đồng cũng chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian làng nghề, giảm thiểu ô nhiễm để phát triển bền vững. Nhờ đó, Bát Tràng không chỉ bảo tồn nghề truyền thống mà còn phát triển hài hòa giữa văn hóa và môi trường.

Bài và ảnh:  NGUYỄN MAI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.