Kính gửi anh Quốc, anh Trường (Trung tá, bác sĩ Võ Như Trường, Phó chủ nhiệm Khoa A7) và tập thể y sĩ, bác sĩ, nhân viên Khoa A7! Tôi là cựu chiến binh, Trung tá QNCN Nguyễn Kim Thanh, nhân viên Xưởng Sửa chữa ô tô 387 (Cục Kỹ thuật Quân khu 5), hiện đã nghỉ hưu. Tôi là chị gái của Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Lợi, nhân viên nhà khách (Phòng Tham mưu Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân)-bệnh nhân từng điều trị tại Khoa A7, vừa được xuất viện. Thưa các đồng chí! Sau 4 tháng kiên trì chống chọi, chiến đấu với bệnh tật, như có phép màu, từ một người bị trầm cảm nặng, đến nay, em gái tôi đã tìm lại được niềm vui, nụ cười vốn có. Thay mặt đại gia đình, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc trước y đức, chuyên môn, sự quan tâm, chăm sóc, điều trị, động viên ân cần, trách nhiệm, tận tâm của các thầy thuốc Khoa A7 dành cho em gái tôi trong suốt những ngày qua. Kính chúc các y sĩ, bác sĩ, nhân viên Khoa A7 luôn dồi dào sức khỏe, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cứu người cao đẹp của mình.

leftcenterrightdel
Trung tá, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Quốc thăm khám cho bệnh nhân. 

Những dòng chữ viết tay nắn nót, lời cảm ơn chân tình, nặng nghĩa tri ân của thân nhân, gia đình người bệnh khiến tất cả cán bộ, nhân viên Khoa A7 đều rưng rưng xúc động.

Mở cuốn bệnh án đã trôi dần về những trang cuối, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc cho biết: “Theo lời kể của gia đình, đầu năm 2022, chị Lợi bị nhiễm Covid-19, sau đó có triệu chứng ho, sốt, mất ngủ, rối loạn thần kinh, suy nhược cơ thể kéo dài, dẫn đến trầm cảm nặng. Từ một người hay nói, hay cười và rất hoạt ngôn, chị Lợi trở nên ngại giao tiếp với mọi người xung quanh, lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng. Đặc biệt, sau ca mổ u màng não ở một bệnh viện tuyến tỉnh, tình trạng bệnh của chị càng trở nên nghiêm trọng hơn. Gia đình quyết định đưa chị Lợi đến Khoa A7 để chữa trị. Có lẽ do hợp thầy, hợp thuốc, chỉ sau 3 tuần nhập viện, bệnh tình của chị Lợi thuyên giảm rõ rệt, được khoa cho xuất viện, về nhà tiếp tục theo dõi, điều trị thêm. Cứ từ một đến hai ngày, chúng tôi lại nhắn tin, gọi điện trao đổi, nắm tình hình, đồng thời tư vấn cho thân nhân, gia đình phương pháp chăm sóc phù hợp nhất để bệnh nhân sớm hồi phục”.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Lợi là vợ của liệt sĩ, Thượng úy QNCN Nguyễn Công Tiến, trước đây công tác tại Sư đoàn 372 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Ngày 26-1-2005, anh Tiến đã hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Tổ quốc. Thời điểm đó, chị Lợi đang nuôi con nhỏ, lại chưa có việc làm, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên được đơn vị tiếp nhận vào làm nhân viên nhà khách Sư đoàn 372. Ngôi nhà tình nghĩa mẹ con chị đang ở hiện nay cũng do cán bộ, chiến sĩ đơn vị chung tay đóng góp xây tặng. Để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của chồng và sự quan tâm của đơn vị, suốt 17 năm qua, chị Lợi luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, nuôi dạy con trai khôn lớn, trưởng thành.

Kể về sự quan tâm, chăm sóc của tập thể Khoa A7 dành cho em gái mình, chị Thanh xúc động cho biết: “Những ngày đầu nhập viện, do bị rối loạn tâm thần, em gái tôi không hợp tác điều trị, cứ nửa đêm lại đi lang thang khắp phòng, khắp khoa, khiến gia đình vô cùng lo lắng. Bằng sự kiên trì, gần gũi, động viên, với chuyên môn, y đức vững vàng, các thầy thuốc quân y dần đưa em tôi trở lại trạng thái bình thường trong sự ngỡ ngàng, cảm phục của tất cả mọi người. Mấy hôm nay, nhìn em hoạt bát, vui tươi, khỏe mạnh, ngủ ngon, chúng tôi hạnh phúc, sung sướng vô cùng”.

Đặc thù công việc của Khoa A7 khiến cán bộ, nhân viên luôn chịu nhiều áp lực tâm lý, cùng với đó là tình thương và nỗi lo dành cho bệnh nhân như chính người thân của mình. Vì thế, niềm vui, hạnh phúc của thân nhân, gia đình những người bệnh được chữa trị khỏi cũng chính là hạnh phúc của tất cả thầy thuốc trong khoa, là động lực để các y, bác sĩ, nhân viên của khoa nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền”.

Bài và ảnh: HÀ LÊ