Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ, vì Hà Nội hào hoa, thư thái, nên người ta khái quát vậy! Thế rồi ngay sau đó khi đi làm thủ tục tạm trú KT-3, mãi hơn một tháng sau tôi mới được công nhận là công dân tạm thời của Thủ đô... Tiếp theo, vào một buổi tối đầu tháng 7-2015, một trận dông lốc bất thần quét qua Hà Nội, làm hơn 1.000 cây xanh ở nhiều tuyến đường gãy đổ. Đoạn đường Lê Duẩn khu vực Công viên Thống Nhất có nhiều cây xà cừ hư hại, cây thì đổ chắn ngang đường, cây thì nằm dọc vỉa hè (những cây này được cắt bỏ ngay để bảo đảm giao thông). Nhiều cây không đổ nhưng cành to, cành nhỏ gãy hẳn, gãy dở cứ mắc, treo lơ lửng trên cây, trong khi đó bên dưới tấp nập người, xe qua lại. Có thể chỉ một cơn gió nhẹ, những cành cây đó rơi xuống, đúng lúc xe cộ, người tham gia giao thông đi tới, thì ắt xảy ra tai nạn. Vậy mà 5 ngày sau, khi lá vàng đã rụng gần hết, những cành gãy đó mới được gỡ bỏ?-“Không vội”, đến thế là cùng? Tòa nhà số 8B Lê Trực xây quá phép độ cao, cứ ngất ngưởng không gian, ngất ngưởng trước pháp luật, thế mà nhiều cuộc họp, bao giải pháp, bao nhiêu tháng ngày mới tháo gỡ được. Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông cũng là điển hình của trì trệ, việc này có nhiều lý do, và hẳn có lý do “không vội”. Mừng là hiện nay đã có động thái tích cực rồi.
Tín hiệu tích cực còn ở nhiều lĩnh vực khác của Hà Nội. Đúng là “Thành phố vì hòa bình” nên không có “vùng cấm bay”-đã từng có người đứng đầu thành phố mắc tội, bị pháp luật xử lý tức khắc và nghiêm khắc...
Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 tràn vào nước ta, lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, Hà Nội vẫn bình an, vì “tuyên truyền tốt, an sinh kịp, phản ứng nhanh”. Làn sóng Covid-19 lần thứ tư, Hà Nội đứng trước nguy cơ, nguy kịch hơn cả lũ sông Hồng uy hiếp Thủ đô năm 1969, 1971; hơn cả lời đe dọa từ bên kia bán cầu-đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá. Bởi Hà Nội tiếp giáp, “cận lộ, cận giang” với Bắc Ninh, Bắc Giang-hai ổ dịch lớn và phức tạp nhất nước ta thời điểm đó, trước biến thể Delta cực kỳ nguy hiểm.
 |
Chốt phòng dịch ngõ 424, đường Ngọc Thụy. Ảnh: Tô Thành Tuyên. |
Đúc rút kinh nghiệm từ 3 đợt chống dịch trước, lần này lãnh đạo thành phố, các lực lượng tuyến đầu, cả hệ thống chính trị và người dân Thủ đô đều đồng lòng, đều ra tay mau lẹ và quyết liệt, cả việc chống dịch và an sinh. Nếu không vậy Thủ đô của chúng ta đã tổn thất khôn lường. Từ thần tốc xét nghiệm, từ thần tốc tiêm vaccine mà bắt đầu từ 6 giờ sáng 21-9, người dân Hà Nội đã được đi lại, sinh hoạt trong điều kiện bình thường mới, không cần giấy tờ đi đường trên địa bàn thành phố. Đó là niềm hạnh phúc của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, hạnh phúc đó có giữ được lâu dài hay không, vẫn chính là công tác tuyên truyền và phản ứng nhanh của các cấp, các ngành, các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Và đặc biệt là tinh thần tự thân, tự giác, vì mình, vì cộng đồng của mỗi người dân Hà Nội trong việc tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, những khuyến cáo về phòng, chống dịch.
Tình nguyện tham gia phòng, chống dịch từ ngách, ngõ ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, tôi càng thấy rõ hơn tín hiệu và niềm vui mới ở Thủ đô. Từ ngách, ngõ, đến toàn phường, từ hàng rào cứng đến hàng rào mềm, từ hàng rào chắn các ngõ, ngách đến hàng rào vô hình-hàng rào lòng dân, đều được thực hiện mau lẹ, chuẩn xác và vững chắc.
Từ những tín hiệu vui trước đó và những điều mắt thấy, tai nghe về phương cách phòng, chống dịch ở phường, ở quận và thành phố, ngẫm lại câu “Hà Nội không vội được đâu”, tôi thấy không còn phù hợp nữa, cần được thay bằng câu khác. Tuy nhiên, cần mượn vần điệu của câu trên và để phù hợp với lúc “nước sôi lửa bỏng”, tôi nghĩ “Hà Nội không vội, là có tội với dân”. Câu này được đưa vào phần kết của phóng sự “Ngọc Thụy: "Rào phố" kháng dịch”, đăng trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử ngày 10-9-2021. Cùng những mong muốn câu buồn trước đây mãi mãi bị chôn vùi vào dĩ vãng. Cùng lời ngỏ-đồng nghĩa tương đối với “không vội” là “bình chân như vại”, là “nước đến chân mới nhảy”, là trì trệ... Nghịch nghĩa với không vội là mau lẹ, kịp thời, chắc chắn, bây giờ người ta hay nói “ngay và luôn”, nhưng xin nhớ cho “nhanh ẩu đoảng, vội vàng hư”-cũng là các cụ ta dạy cả.
Ý trên, lời ngỏ này còn là với tất cả các lĩnh vực của Hà Nội, chứ không chỉ trong phòng, chống dịch; và với tất cả những việc diễn ra ở Thủ đô, từ Thủ đô, chứ không chỉ của nội bộ Hà Nội.
Từ hôm Báo Quân đội nhân dân Điện tử đăng bài phóng sự đó đến nay, tôi nhận được nhiều lời chia sẻ tâm đắc và đồng cảm, nhất là câu “Hà Nội không vội, là có tội với dân”. Thực ra, đó chính là điều tâm đắc, niềm vui về cách nghĩ, cách làm hiện nay trong phòng, chống dịch và trên các lĩnh vực khác của Hà Nội. Đó cũng là điều mà người dân Hà Nội tự nhủ, tự nhắc nhau! Đó chính là tình yêu, niềm tin về Hà Nội, để Hà Nội “đẹp mãi trong tim ta”, trong tim mọi người.
TÔ THÀNH TUYÊN