Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, người có công với cách mạng bao gồm 12 nhóm đối tượng, trong đó có nhóm đối tượng “người có công giúp đỡ cách mạng”. Khoản 2 Điều 3 của pháp lệnh quy định: “Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ”. Như vậy, ông là thân nhân của người có công với cách mạng.

Tuy nhiên, tại Điều 2 Thông tư số 30/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc “hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý” quy định, thân nhân người có công với cách mạng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bao gồm: “1. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; 2. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; 3. Con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật và đang hưởng trợ cấp hằng tháng”.

 Đối chiếu với quy định trên, tuy ông Thuấn là thân nhân của người có công với cách mạng nhưng ông không thuộc đối tượng được cấp hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Vì vậy, cán bộ chuyên trách kết luận như vậy là đúng với pháp luật hiện hành.   

HÀ PHƯƠNG