Sau khi nắm vững kiến thức và kỹ thuật, năm 2021, anh Sơn thuê cải tạo hệ thống chuồng trại và thiết kế 2 lò ấp trứng, đồng thời đầu tư hơn 22 triệu đồng mua 20 cặp le le giống và 30 cặp vịt trời về nuôi. Vì là động vật hoang dã nên trước khi nuôi, anh Sơn đã đăng ký với cơ quan chức năng. 

Anh Phan Văn Sơn kiểm tra le le mới nở.

Lúc đầu, le le còn nhỏ, anh cho ăn thức ăn công nghiệp có nhiều độ đạm; khi le le lớn thì cho ăn bổ sung thêm rau muống, lục bình... Le le nuôi được từ 3 tháng trở lên là có thể xuất bán. Từ khi nuôi đến nay, anh Phan Văn Sơn đã xuất bán được nhiều đợt, mỗi đợt 30-50 con le le thương phẩm, trừ chi phí còn lãi 3-5 triệu đồng/đợt bán. Không chỉ bán le le thương phẩm, anh Sơn còn cho le le đẻ trứng và ấp nở để bán con giống. Theo anh Sơn, le le nuôi khoảng 8 tháng là đẻ trứng, mỗi năm con cái đẻ 3-5 lần, mỗi lần 8-10 trứng; đưa vào lò ấp khoảng 28 ngày trứng nở ra le le con. Hiện tại, anh Sơn đang nuôi gần 200 con le le, trong đó có 40 con bố mẹ; duy trì 2 lò ấp trứng hoạt động ngày đêm, công suất ấp mỗi lò 300-400 trứng.

Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thành B nhận xét: “Anh Sơn là người tiên phong trong nuôi le le ở địa phương. Qua hai năm, mô hình của anh đã đạt hiệu quả tốt, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Hội Nông dân xã khuyến khích anh Sơn mở rộng, xây dựng thương hiệu và đang củng cố hồ sơ giúp anh tham gia thi khởi nghiệp ở huyện, tỉnh trong thời gian tới”. Anh Phan Văn Sơn rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm nuôi le le với những ai có nhu cầu để cùng phát triển kinh tế gia đình, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương.

Bài và ảnh: TRẦN TRỌNG TRUNG