leftcenterrightdel
 Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Nam Định diễn tập xử lý tình huống, bắt các phần tử gây rối.  Ảnh: PHAN ANH  
Ông VÕ TÁ LÂN, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh: Không mắc mưu kẻ xấu

Xã Thạch Trung có 11.000 dân, trong đó 70% là đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Thời gian qua, trước tình hình sự cố môi trường biển, một số nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra vấn đề công dân mắc mưu kẻ xấu kích động dẫn đến khiếu kiện, biểu tình, tụ tập gây rối, nhưng xã Thạch Trung vẫn ổn định tình hình. Để có được kết quả đó, chúng tôi đã triển khai làm tốt một số giải pháp. Ngoài việc tuyên truyền để người dân hiểu, tin tưởng vào quan điểm, chủ trương xử lý sự cố môi trường của Đảng và Nhà nước, chúng tôi còn phân công cán bộ chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã xuống tận thôn, xóm, tổ liên gia và làm việc với Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ để cùng tuyên truyền, vận động giáo dân. Chúng tôi cử lực lượng công an hỗ trợ, nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý tốt các đối tượng có khả năng cấu kết với kẻ xấu bên ngoài; phát hiện đối tượng ngoài địa phương vào cấu kết với đối tượng xấu ở địa phương. Vì vậy, đối tượng xấu vào địa phương là bị phát hiện ngay, không hoạt động được gì. Chúng tôi cũng sử dụng đội ngũ cốt cán ở cơ sở để kịp thời nắm, giải quyết những thắc mắc, bức xúc của người dân. Nhờ vậy, địa phương không có người tham gia tuần hành, khiếu kiện, tụ tập, gây rối. HÀ PHƯƠNG (ghi)

Thạc sĩ, luật sư NGUYỄN THANH TÙNG, Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự: Bảo đảm tính răn đe của pháp luật

 Ở góc độ một luật sư, tôi nhận thấy, có đối tượng tụ tập gây rối chỉ là những hành vi bột phát, mang tính cá nhân. Nhưng một số đối tượng khác mang âm mưu của các thế lực thù địch muốn chia rẽ dân tộc, lôi kéo các tôn giáo, các thành phần khác nhau trong xã hội vào hoạt động gây mất ổn định chính trị. Tùy theo mức độ vụ việc mà người vi phạm có thể bị xử phạt theo Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định vi phạm về trật tự công cộng hoặc bị truy cứu hình sự theo Điều 245 về tội gây rối trật tự công cộng. Những hành vi như vậy, nếu có mục đích chống phá Nhà nước và có đủ yếu tố cấu thành tội danh thì sẽ bị truy tố theo các tội danh có khung hình phạt cao hơn như: Tội phá hoại chính sách đoàn kết, Điều 87, Bộ luật Hình sự; Tội tuyên truyền chống Nhà nước, Điều 88, Bộ luật Hình sự. Những quy định của pháp luật hiện hành là tương đối chặt chẽ và đủ sức răn đe.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật, hiểu biết cả về các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Người dân hiểu biết pháp luật thì mới bảo đảm tính răn đe của pháp luật. Người bị lôi kéo, kích động thường không rõ hành vi của họ sẽ chịu hậu quả pháp lý như thế nào. Hiểu biết pháp luật sẽ tránh được vi phạm pháp luật. KIM DUNG (ghi)

Ông VŨ VĂN MỪNG, xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định: Tìm ra kẻ chủ mưu

Việc chống phá cách mạng của các thế lực thù địch đã có từ lâu và chúng tôi nhận thấy, các đối tượng sử dụng chiêu trò lợi dụng người dân đi tuần hành là phổ biến. Một bộ phận nhỏ người dân do nhận thức hạn chế nên bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động tụ tập gây rối. Mới đây, các báo đưa tin Công an TP Hà Nội đã bắt tạm giam đối tượng Cấn Thị Thêu, thường trú tại tổ dân phố Trung Bình, phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây là một trong số các đối tượng chuyên cầm đầu, kích động một số người dân khiếu kiện chây ỳ, gây rối trật tự công cộng khiến người dân rất bức xúc.

Để ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu của kẻ xấu, việc tìm ra và xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, cầm đầu là rất quan trọng. Cần phân hóa rõ kẻ chủ mưu và bộ phận nhân dân bị lôi kéo, từ đó lấy tuyên truyền, thuyết phục là chính, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt để người dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của chúng. Đối với bọn phản động, chủ mưu cố tình chống phá cách mạng, phải có biện pháp kiên quyết, xử lý thích đáng. HOÀNG NHƯỠNG (ghi)

Trung tá PHẠM NGỌC DŨNG, Đội trưởng An ninh, Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương: Xây dựng nhiều mô hình thiết thực

Từ giữa năm 2014 đến nay, Công an thị xã Dĩ An đã đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đơn vị quân sự địa phương và Quân đoàn 4 đứng chân trên địa bàn có quy chế hoạt động cụ thể. Đều đặn hằng tháng, quý, năm, ngoài việc bổ sung kế hoạch, xây dựng phương án hành động sát với tình hình địa bàn, chúng tôi còn đặc biệt chú trọng công tác dự báo, nắm, phân tích tình hình, tổng hợp, đánh giá, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để người dân có ý thức cảnh giác, tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình mang tính thiết thực, hiệu quả như: Tổ, đội tự quản về an ninh trật tự, Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, Câu lạc bộ nhà trọ... ở 100% phường, xã, ấp, khu phố. Trong các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp, chúng tôi đã thí điểm phối hợp xây dựng đội xung kích tự quản tại chỗ để doanh nghiệp tự quản, tự giữ, tự phòng. Trong hai năm qua, chúng tôi đã thành công với các mô hình trên, giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cụ thể, khi manh nha có biểu hiện về an ninh, chính trị, lập tức chúng tôi nhận được thông tin sớm nhất từ cơ sở.

LÊ CẦU (ghi)