Điểm mới đáng chú ý của Thông tư 26 là tất cả các môn học đều được đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số, thay vì chỉ bằng điểm số như hiện hành. Ngoài các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục được đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập theo 2 mức: Đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu, Thông tư 26 quy định: Đối với các môn học còn lại, sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Ngoài ra, Thông tư 26 không chỉ yêu cầu đánh giá bằng nhận xét chung chung mà quy định cụ thể: Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập.  

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn. 

Theo tôi, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá này sẽ khích lệ, động viên, tạo động lực cho các em học sinh phát triển toàn diện. Đồng thời cũng giúp giáo viên chuyển dần từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá về mặt tiếp cận kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Điều này là hết sức cần thiết và cũng phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay; khắc phục được thói quen khá phổ biến là trong khi chấm bài kiểm tra, giáo viên chỉ chú trọng việc cho điểm, ít có những lời phê nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm của học sinh khi làm bài, để từ đó  bồi dưỡng học sinh giỏi, bổ sung những lỗ hổng kiến thức, giúp đỡ riêng đối với học sinh yếu, kém...

Thực tế, việc điều chỉnh này có thể khiến giáo viên vất vả hơn khi phải quan tâm học sinh sát sao hơn để bảo đảm kết quả đánh giá công bằng, thực chất. Đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu giáo viên phải chủ động, vận dụng sáng tạo các hình thức đánh giá để giúp học sinh phát huy năng lực, phẩm chất bản thân.

Do đó, để hoạt động này đi vào thực chất, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của ngành giáo dục, nhà trường, giáo viên và cả các bậc phụ huynh. Trong đó, trước mắt, cần đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn về việc đổi mới các hình thức kiểm tra, đánh giá cho đội ngũ giáo viên; hướng dẫn các thầy cô cách thức ra đề thi, kiểm tra theo hướng mở, tránh việc cho điểm hình thức, nhận xét chung chung... Đồng thời, mỗi giáo viên cần chủ động, tích cực hơn trong quá trình giảng dạy để hướng dẫn học sinh tự học, tăng cường ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống… Cùng với đó, cần tăng cường trao đổi, phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường, thông qua những nhận xét của giáo viên và ý kiến từ gia đình để ghi nhận sự tiến bộ của mỗi học sinh. Có như vậy, phẩm chất, năng lực của mỗi học sinh mới được phát triển một cách tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với thế hệ tương lai của đất nước. 

VÂN KHÁNH (Mỹ Đình, Hà Nội)