Sự cố một du học sinh trở về thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) từ một cơ sở cách ly ở Hà Nội có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thực hiện cách ly tập trung trong phòng, chống dịch Covid-19.
Liên quan đến vụ việc này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội vừa ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ với lý do chưa thực hiện đúng quy trình trong việc tổ chức cách ly tập trung. Có thể nói, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch khác đang được triển khai thì việc thực hiện cách ly tập trung là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp Việt Nam khống chế tốt dịch Covid-19, không để xảy ra tình trạng “vỡ trận” như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
 |
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Khu vực cách ly tập trung là nơi đặc biệt nguy hiểm khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, vì thế nếu không siết chặt các quy định phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm kỷ luật tại đây thì việc lây nhiễm chéo, lây nhiễm ra ngoài cộng đồng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Hiện nay, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn vô cùng phức tạp. Tại Việt Nam, thời điểm cuối năm với nhiều sự kiện chính trị-xã hội lớn, dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu Xuân đang đến gần… vì thế, các cơ sở cách ly tập trung người có nguy cơ nhiễm Covid-19 cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định về cách ly và quản lý y tế sau cách ly, xét nghiệm, không để tình trạng lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội. Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly tại các khu vực được chỉ định làm khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú; đánh giá và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra các sai phạm làm dịch Covid-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.
HOÀNG THU HẰNG (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội)