Từ bài học kinh nghiệm vừa qua, khi cơn lũ tràn về, hệ thống thông tin liên lạc bị tê liệt tại một số vùng khiến công tác cứu hộ vô cùng khó khăn, nên mọi việc được triển khai khẩn trương, từ việc nắm số điện thoại của chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để liên lạc, ứng cứu nếu có tình huống xảy ra.
 |
Dự báo đường đi của bão Molave trên Biển Đông. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. |
Tôi được biết, theo kinh nghiệm ứng phó của nhiều nước, họ có một hệ thống cập nhật những cảnh báo các thông tin quan trọng về thiên tai, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân qua hệ thống tin nhắn, để người dân chủ động, không bị bất ngờ. Do đó góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân.
Cùng với đó là việc các tỉnh lên kế hoạch sơ tán, di dời người dân ở vùng nguy hiểm về nơi tránh trú bão an toàn. Bởi vậy, nếu có tình huống xảy ra, người dân sẽ biết phải chạy về đâu, mang theo những gì, tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống ra sao... tránh cảnh sống bơ vơ, mà trời chiếu đất và trắng tay khi cơn lũ đi qua.
Giúp người dân bảo vệ những tài sản không thể mang đi được, các địa phương cũng cần cảnh báo và hướng dẫn hàng trăm hộ nuôi hải sản lồng bè trên biển neo bè, chằng chống để bảo vệ hàng nghìn tỉ đồng dưới nước. Việc kiểm tra những vùng trong thời gian bão ảnh hưởng và đổ bộ gây lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất cũng được chú trọng quan tâm...
Có thể nói, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để ứng phó với cơn bão được dự đoán sẽ rất mạnh có thể đổ bộ vào vùng biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, cần thiết phải trang bị thêm những chỉ dẫn cụ thể về kỹ năng ứng phó cho người dân vùng chịu ảnh hưởng của bão, để chủ động tự bảo vệ mình trước khi lực lượng chức năng tới ứng cứu. Chỉ khi có sự chủ động đến từ người dân và chính quyền thì cuộc “chạy đua” này mới hiệu quả.
BÌNH AN (Đồng Hới, Quảng Bình)