Trong năm, lực lượng công an các địa phương tổ chức triệt phá, xử lý nhiều đường dây cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, lợi dụng ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu tiêu dùng cuối năm nên thời điểm này, các đối tượng cho vay nặng lãi thường giở nhiều chiêu trò, thủ đoạn tiếp cận, mời chào người vay, nhất là công nhân.
Luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, mức lãi suất do hai bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm. Ngoài ra, mức hình phạt theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự có khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù và được xác định là tội ít nghiêm trọng nên không tạo được tính răn đe. Hơn nữa, hoạt động tín dụng đen hiện nay thường thông qua các ứng dụng trên điện thoại, máy tính; vừa dễ tiếp cận người dùng, vừa khó bị phát hiện, xử lý”.
Nhằm hạn chế tín dụng đen, luật sư Lê Văn Lên góp ý, các cơ quan chức năng phải đến từng nhà máy, ban quản lý khu/cụm công nghiệp để tuyên truyền cho người lao động biết các hệ lụy của tín dụng đen. Trước khi có quy định pháp luật quản lý dịch vụ này, người đi vay cần phải chú ý tự bảo vệ mình bằng cách: Cẩn trọng khi cung cấp thông tin để đăng ký khoản vay; nghiên cứu kỹ các điều khoản cho vay, nhất là về chủ thể và thủ tục giải ngân, về lãi suất vay, về điều kiện hủy giải ngân, chính sách gia hạn khoản vay; ký và lưu giữ hợp đồng; cân nhắc khả năng tài chính trước khi vay trực tuyến. Nếu bị bên cho vay đòi tiền lãi quá cao, bất hợp lý và đe dọa khi đến hạn không trả nợ được thì phải báo ngay với cơ quan công an để được bảo vệ và giải quyết theo quy định pháp luật.
HOÀI LINH