Hái lộc đầu năm là một trong những phong tục ngày Tết, nét đẹp văn hóa có từ ngàn đời ở nước ta. Theo đó, sau thời khắc Giao thừa hoặc sáng Mồng Một Tết, người dân thường đến đình chùa, đền phủ để hái một cành lộc non với mong muốn xin tài lộc, may mắn của thần, phật mang về nhà. Lộc ở đây là một chồi non vừa nhú ra từ thân cây, nách lá...
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người hiểu sai lệch về ý nghĩa tượng trưng của phong tục này, dẫn đến những hành động không đẹp, gây ra sự phá hoại với môi sinh. Họ cho rằng, hái được càng nhiều lộc, bẻ được cành càng to thì cả năm sẽ có nhiều tài lộc. Vì lẽ đó nên nhiều người không ngần ngại bẻ những cành cây, chồi non đang mơn mởn sức sống; tranh giành nhau bẻ gãy cành lá; thậm chí, không ít người còn mang dao đi để chặt được cành lộc to. Sau đêm Giao thừa, ở nhiều đình chùa và trên các tuyến phố, cây xanh trơ trụi, xơ xác trông rất xót xa.
Thành công chỉ đến khi mỗi chúng ta luôn cố gắng phấn đấu, lao động và sáng tạo một cách kiên trì, bền bỉ. Rất khó để có thành công nếu chỉ có cành lộc to. Vì thế, mỗi chúng ta cần hiểu đúng phong tục đầu năm, vừa để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa bảo vệ môi sinh tạo môi trường sống tốt cho chính chúng ta và ngàn đời sau. Đó mới là ý nghĩa thực sự mà cha ông ta đã gửi gắm trong phong tục hái lộc đầu năm.
HOÀI AN