Để đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, năm 2010 tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”. Theo thống kê đến hết năm 2018, Bắc Ninh đã triển khai hỗ trợ đào tạo nghề được cho 50.669 LĐNT, tổng kinh phí hỗ trợ là 176,02 tỷ đồng. Số người có việc làm sau đào tạo là 40.849 người, đạt 80,62%. Ngoài ra, toàn tỉnh có 460 hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm sau đào tạo và đã thoát nghèo; 1.220 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập cao trở thành hộ gia đình có thu nhập khá tại địa phương. Trong quá trình thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT, Bắc Ninh đã ban hành các chính sách đặc thù như nâng độ tuổi cho đối tượng được hỗ trợ học nghề; quy định chế độ hỗ trợ đào tạo và sử dụng lao động đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, động viên, thu hút LĐNT tham gia học nghề gắn với việc làm tại các doanh nghiệp.

Cơ quan chức năng tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát danh mục nghề đào tạo, chỉ đạo thực hiện phương châm "chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề"; dạy nghề gắn với thế mạnh của địa phương cơ sở, với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, dạy nghề theo nhu cầu học nghề của LĐNT gắn với thị trường lao động trong quy hoạch phát triển sản xuất ở cơ sở. 

DUY CẢNH

(thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh)