Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Thượng tá Nguyễn Xuân Bắc, Phụ trách các giai đoạn thi nghệ thuật của "Đội quân văn hóa" trong đội tuyển Quân đội nhân dân Việt Nam tại Army Games 2021 đã chia sẻ về những tiết mục mà anh và các đồng nghiệp đã lựa chọn để tham gia cuộc thi năm nay.
Phóng viên (PV): Anh và đồng nghiệp lựa chọn những tiết mục gì để mang đi thi đấu tại Army Games 2021?
NSND, Thượng tá Nguyễn Xuân Bắc: Trong chương trình âm nhạc tham gia cuộc thi năm nay, chúng tôi xây dựng 5 tiết mục. Tiết mục thứ nhất là “Độc tấu đàn bầu”. Thông qua tác phẩm “Cung đàn đất nước” của nhạc sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đặng Xuân Khải, chúng tôi muốn giới thiệu công chúng nước ngoài một nhạc cụ tiêu biểu của Việt Nam mà thế giới biết đến từ lâu. Tác phẩm như là tiếng nói, tâm tư tình cảm của dân tộc; mang đậm bản sắc và các giá trị văn hóa lâu đời của đất nước, người Việt Nam chúng ta.
Tác phẩm thứ hai là “Độc tấu sáo trúc” có tên “Truy kích”. Tác phẩm nói lên truyền thống hào hùng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ trước tới nay; thể hiện lòng quyết tâm, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ trong các cuộc vệ quốc vĩ đại giành độc lập tự do cho Tổ quốc trước đây cũng như sự quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình mới.
|
NSND, Thượng tá Nguyễn Xuân Bắc đang tập luyện cùng đồng nghiệp. |
Tác phẩm thứ ba là độc tấu Trống Đế "Hồn quê", chúng tôi khai thác loại hình nghệ thuật Chèo truyền thống trong đó có những trò diễn, cách diễn được thể hiện qua tiếng Trống Đế. Tất cả những kỹ năng, kỹ xảo, những nét tinh tế của tiếng trống chèo được đưa vào tác phẩm. Qua đó, giới thiệu với bạn bè quốc tế về một loại hình sân khấu kịch hát dân tộc tiêu biểu của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ đã có lịch sử hình thành, phát triển từ cách đây gần một nghìn năm.
Tác phẩm thứ tư là song tấu đàn T’rưng và Sáo trúc. Chúng tôi sử dụng hình thức và thủ pháp Mashup trong âm nhạc để diễn tấu hai nhạc phẩm nổi tiếng của Nga, đó là “Cachiusa” và “Tình ca du mục”. Đây là một tác phẩm mà chúng tôi đã phối khí, dàn dựng lại để hai tác phẩm này hòa quyện với nhau và trở thành một tiết mục chúng tôi rất tâm đắc. Thông qua tiết mục này, bằng ngôn ngữ âm nhạc, chúng tôi muốn nói với bạn bè quốc tế rằng, các tác phẩm âm nhạc quốc tế được biểu diễn bằng nhạc cụ dân tộc Việt Nam, cụ thể ở đây là âm nhạc Nga cũng rất ấn tượng và hấp dẫn.
Tác phẩm thứ năm là “Âm vang Đại ngàn”, chúng tôi sử dụng hai nhạc cụ tiêu biểu của các cư dân đồng bào Tây Nguyên, đó là đàn Đá và Đing Pak Puốt. Chất liệu âm nhạc chủ yếu là của người Gia Rai, người Ê Đê và người Ba Na. Bằng tính chất duyên dáng, mượt mà của âm nhạc người Gia Rai kết hợp với sự sôi động, phức tiết tấu (Complex Rhythm Music) của người Ê Đê và người Ba Na đã tạo nên một tác phẩm thể hiện được tinh thần, khí chất, sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc cũng như sự hùng vĩ của Trường Sơn - Tây Nguyên.
 |
NSND Nguyễn Xuân Bắc đang tập luyện tiết mục trên chiếc đàn đá. |
PV: Cảm xúc của anh ra sao khi tham gia Army Games 2021?
NSND, Thượng tá Nguyễn Xuân Bắc: Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi này và cảm xúc rất vui, phấn khởi nhưng cũng không ít lo lắng. Hơn nữa, đây là một cuộc thi quốc tế được tổ chức ở nước ngoài nên chắc chắn sẽ có nhiều khác biệt so với các cuộc thi diễn ra ở trong nước. Ở những cuộc thi quốc tế như thế này, các yếu tố về tài năng, kỹ thuật, chất lượng nghệ thuật, chất lượng văn hóa sẽ được Ban tổ chức và Hội đồng nghệ thuật đòi hỏi rất cao. Vì vậy, để đáp ứng đúng với tiêu chí của cuộc thi cũng như mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ được giao, toàn bộ cán bộ, diễn viên, nhạc công phải nỗ lực phấn đấu ít nhất gấp hai lần sức lực của mình. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã cùng ê kíp tư vấn, tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và các đơn vị liên quan từ việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn nhân sự, lựa chọn chất liệu - hình thức của các tác phẩm, viết kịch bản, đặt hàng các nhạc sĩ, biên đạo, chuyên gia và tổ chức triển khai thực hiện... Đến nay, công tác chuẩn bị cũng như luyện tập của chúng tôi đã đi vào giai đoạn hai, đã chuẩn bị đến giai đoạn ba là báo cáo tổng duyệt cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các cơ quan có liên quan, để có những nhận xét, đánh giá trước khi bước lên đường dự thi.
PV: Anh lựa chọn chủ đề của các tiết mục tham gia Army Games lần này thế nào?
NSND, Thượng tá Nguyễn Xuân Bắc: Cấp trên đã giao nhiệm vụ cho "Đội quân văn hóa" phải xác định đây là một cuộc thi quốc tế, cho nên chất lượng nghệ thuật phải xuất sắc, phải đảm bảo việc dự thi giành thắng lợi với kết quả cao nhất. Ngoài ra, phải giới thiệu được bản sắc văn hóa, nghệ thuật dân gian dân tộc Việt Nam; hình ảnh và các giá trị của đất nước, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế. Vì thế, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và sự đóng góp của các đơn vị liên quan, chúng tôi đã chắt lọc và lựa chọn những tinh hoa văn hóa của các dân tộc để đưa vào các tiết mục cũng như tổng thể chương trình.
Ngoài các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc Kinh thì những tinh hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được chúng tôi lựa chọn đưa vào… Ở tất cả các tiết mục, trong từng lời ca, giai điệu; trong từng động tác, tổ hợp, điệu bộ, sắc thái; trong từng nét nhạc, câu nhạc, chủ đề, ý tưởng... chúng tôi đều có sự trau chuốt rất kỹ để chắt lọc ra chất liệu vùng nào? của dân tộc nào? đưa vào tác phẩm ra sao? Như vậy mới tạo giá trị cao nhất về nghệ thuật cũng như quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chẳng hạn như, đối với múa, ngoài tất cả các kỹ thuật về múa, kỹ năng về múa có tính kinh điển quốc tế thì còn có những kỹ thuật, động tác, kỹ năng của múa dân gian Việt Nam, được các biên đạo và nghệ sĩ đưa vào những tác phẩm múa rất tinh tế và hiệu quả. Đối với thanh nhạc, bên cạnh sự thể hiện về trình độ kỹ thuật, chuyên môn thanh nhạc với các yêu cầu về thanh nhạc kinh điển, opera, nhạc kịch mà trong quy chế của chương trình đưa ra thì còn là những kỹ thuật như luyến, láy, vang - rền - nền - nảy, lối nhả câu, nhả chữ... trong nghệ thuật ca hát dân gian Việt Nam cũng được đưa vào. Đối với âm nhạc thì chúng tôi được lựa chọn những nhạc cụ và chất liệu âm nhạc tiêu biểu của người Thái, Mông, Dao ở các vùng miền núi phía Bắc; âm nhạc và các nhạc cụ tre nứa, đàn đá, cồng chiêng của đồng bào Trường Sơn - Tây Nguyên... Chính vì vậy, chương trình tham gia cuộc thi văn hóa nghệ thuật năm nay là bức tranh tổng thể đa sắc màu, đa văn hóa của các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc.
 |
"Đội quân văn hóa" tập luyện với chiếc đàn T'rưng và sáo trúc |
PV: Anh có gặp khó khăn, thuận lợi gì khi vừa đảm nhiệm phụ trách các giai đoạn thi nghệ thuật vừa là nghệ sĩ tham gia cuộc thi?
NSND, Thượng tá Nguyễn Xuân Bắc: Thuận lợi thì nhiều, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của thủ trưởng các cấp ngay từ những ngày đầu tiên, về con người, sức khỏe điều kiện ăn ở, các địa điểm, sân bãi, sàn tập, trang thiết bị, vật tư, nhạc cụ, đạo cụ... Vì thế, chúng tôi có động lực và có niềm tin rất lớn, cũng như quyết tâm của toàn đội rất cao để hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất.
Tuy nhiên cũng có những khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 gây ra, liên quan đến rất nhiều vấn đề về công tác đảm bảo cho việc luyện tập. Thứ nhất là khoảng cách-cự ly, thứ hai là nhiều việc phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến như làm việc với chuyên gia, nhạc sĩ, biên đạo, nghệ nhân chế tác nhạc cụ, đạo cụ.. Vì thế, giai đoạn đầu có những khó khăn, hạn chế nhất định. Ngoài ra, có những thời điểm dịch căng thẳng, chúng tôi phải thực hiện nghiêm việc phòng, chống Covid-19 như là giãn cách xa, dẫn đến khó khăn trong phối kết hợp dàn dựng và tập luyện; không sử dụng điều hòa, hạn chế quạt gió mặc dù tập luyện trong thời tiết nóng nực mùa hè... ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của diễn viên, nên việc luyện tập có thời điểm tiến độ và chất lượng chưa được như mong muốn.
Với bản thân tôi, người trực tiếp tham gia vào các tiết mục thi âm nhạc, như trên đã nói, đây là cuộc thi quốc tế nên áp lực về chuyên môn và chất lượng nghệ thuật là rất cao. Bên cạnh đó, tôi còn tham gia sáng tác, dàn dựng, thu thanh cho các tiết mục khác nên về mặt thời gian và sức khỏe có thời điểm đối với tôi rất căng thẳng. Với nhiệm vụ quản lý và phụ trách, tôi đã cùng với Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Hội đồng nghệ thuật của nhà trường, tham gia góp ý, tư vấn, chỉnh sửa cho các tiết mục khác trong chương trình... nên cũng phải đầu tư thêm thời gian, chất xám để hoàn thành nhiệm vụ này.
Mặc dù vậy, tập thể toàn đội và bản thân tôi đã vượt qua chính mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các giai đoạn đã đề ra. Tất cả những khó khăn, vất vả đều đã ở lại phía sau, trước mắt chúng tôi là cuộc thi đang đến gần với quyết tâm và niềm tin rất lớn vào thắng lợi của toàn đội.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
KHÁNH HUYỀN – CAO NGUYÊN (thực hiện)