Sau quá trình lựa chọn, khảo sát, Ban huấn luyện - Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu đã lựa chọn thao trường trường bắn Đồng Doi làm địa điểm huấn luyện bởi nhận thấy ở đây có địa hình gần giống nước sở tại (Liên bang Nga) – nơi tổ chức nội dung thi đấu tại hội thao Army Games 2021.

Theo Thượng tá Bùi Yên Tĩnh, Phó cục trưởng Cục Bản đồ, “Kinh tuyến” là nội dung mới, chuyên sâu về nghiệp vụ địa hình, là công cụ để “nối dài các giác quan” của người chỉ huy. Thi đấu nội dung "Kinh tuyến" tại Army Games giúp người lính nâng cao trình độ, khả năng, kiến thức và kỹ năng sử dụng phương tiện, tư liệu địa hình để có tác phong nhanh nhẹn, khéo léo, linh hoạt xử trí các tình huống chiến đấu.  Mục tiêu đề ra trong nội dung thi là mỗi vận động viên (VĐV) phải vận dụng mọi tri thức, kỹ năng, chiến thuật và kinh nghiệm để vượt qua 3 phần thi: Bắn súng, Cắt góc phương vị và Tiếp sức địa hình mà ít để xảy ra sai sót, trong thời gian ngắn nhất có thể, đó là thử thách thực sự đối với những người lính khát khao chinh phục tri thức quân sự.

Đội tuyển thực hành phần thi Bắn súng. 

Trong quá trình lựa chọn các tuyển thủ, ban huấn luyện đã tuyển chọn VĐV dựa trên các tiêu chí như: Khả năng bắn súng, kiến thức và kỹ năng về cắt góc phương vị, sự nhanh nhẹn, linh hoạt trong sử dụng phương tiện đo đạc tính toán, cắt ghép bản đồ quân sự. Trong quá trình huấn luyện, việc xây dựng kế hoạch, biên soạn giáo trình huấn luyện cũng gặp không ít khó khăn. Ban huấn luyện phải dự kiến nhiều phương án, tình huống vào nội dung huấn luyện cho đội tuyển như thời điểm thi đấu ban ngày, ban đêm, bởi điều kiện bắn khi thi đấu có thể thay đổi, các trang thiết bị khác với quá trình luyện tập trong nước.

“Sau khi tuyển chọn được 23 tuyển thủ của các đơn vị trong toàn quân, Cục Bản đồ đã thành lập đội dự tuyển. Ban huấn luyện đã chia ra thành 5 giai đoạn huấn luyện: Cơ bản; phân đoạn; tổng hợp; nâng cao và giai đoạn huấn luyện ở nước ngoài. Mỗi giai đoạn, mỗi bài tập có những yêu cầu khác nhau”, Thượng tá Bùi Yên Tĩnh chia sẻ.

Tháng 3, là giai đoạn huấn luyện cơ bản, các VĐV được tập các nội dung cơ bản để đánh thức tiềm năng, bộc lộ tố chất như: Bắn súng, sử dụng la bàn, cắt góc phương vị, bảo đảm địa hình, chắp ghép bản đồ quân sự. Kết thúc giai đoạn 1, Ban huấn luyện đã tiến hành kiểm tra, tuyển chọn được 10 VĐV để tiếp tục ôn luyện các giai đoạn tiếp theo.

Thực hành lấy hướng vận động góc phương vị. 

Thượng tá Bùi Yên Tĩnh cho biết, ở giai đoạn phân đoạn, các VĐV luyện tập nội dung của 3 phần thi: Bắn súng, cắt góc phương vị và Tiếp sức địa hình được chia thành các phần nhỏ, tập từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Từ giai đoạn tập tổng hợp đến nâng cao, các VĐV liên kết các kỹ năng thành một chu kỳ sát dần với nội dung thi, tính toán thời gian và rèn kỹ năng, kỹ xảo. Từng cử chỉ, hành động và cách xử trí các tình huống phải thuần thục kỹ năng, động tác đúng với điều kiện thi đấu, qua đó đánh giá khả năng, trình độ thành tích, bản lĩnh thi đấu của cả đội.    

Thượng tá Vũ Văn Đồng - Trưởng Phòng Trắc địa - Địa hình - Cục Bản đồ - Huấn luyện viên phần thi Tiếp sức địa hình chia sẻ: “Chúng tôi phân nhóm VĐV theo 3 vị trí: Tổ trưởng, trắc thủ 1 và trắc thủ 2 để tạo tính hiệp đồng và đánh giá thành tích cá nhân. Yêu cầu đặt ra là VĐV phải giỏi 1 vị trí, biết làm các vị trí khác nên chúng tôi tập trung huấn luyện chuyên sâu, huấn luyện bổ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, giải quyết các vấn đề tồn tại. Đồng thời, đưa ra quy trình các bước thực hiện tối ưu cho mỗi vị trí trong đội thi, theo dõi sát sao để kịp thời phát hiện các khiếm khuyết, nguyên nhân và cách khắc phục của từng cá nhân”.

 Tổ trưởng đang nhập dữ liệu ban đầu và định hướng đo ngắm ở phần thi Tiếp sức địa hình.
Các thành viên vận động góc phương vị tìm mục tiêu. 

Ngoài ra, ban huấn luyện còn tổ chức thi giữa các VĐV, giữa các tổ nhằm tạo áp lực để từ đó mỗi VĐV tự giác, tích cực luyện tập, tự sửa chữa khắc phục hạn chế, thực hiện thuần thục động tác, vận dụng linh hoạt phù hợp trong các điều kiện áp lực khác nhau. Đồng thời coi mỗi lần tập là một lần kiểm tra theo điều kiện thi đấu để ghi chép kết quả thành tích của mỗi VĐV. 

Những ngày cuối tháng 6, trên thao trường Đồng Doi - Trường Sĩ quan Lục quân 1, đội tuyển "Kinh tuyến" của ngành Địa hình quân sự - Cục Bản đồ - Bộ Tổng Tham mưu đang luyện tập nội dung "Tiếp sức địa hình" thì trời đổ mưa như trút nước, các trắc thủ phải dừng tập, nhanh chóng cất máy toàn đạc, gương đo, tạm nghỉ chờ trời tạnh mưa. Mặc dù thời tiết mưa nắng thất thường, ít nhiều ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng luyện tập, song toàn đội luôn tận dụng tối đa thời gian với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" để các VĐV tiếp tục nâng dần thành tích, hoàn thiện kỹ năng, bản lĩnh và sự tự tin khi tham gia thi đấu.

 Trắc thủ 2 chắp ghép các miếng của 2 mảnh bản đồ trong phần thi Tiếp sức địa hình.

Tâm sự với chúng tôi, Đại úy Đinh Văn Thuấn - giảng viên của Trường Sĩ quan Pháo binh – VĐV của đội tuyển cho biết: “Quá trình luyện tập, thể lực của anh em được nâng lên, nội dung huấn luyện cường độ ngày càng cao, mỗi giai đoạn, ai cũng cố gắng rèn luyện thể lực thêm ngoài giờ đáp ứng được nội dung giáo án mà huấn luyện viên đề ra”. Còn Đại úy Cao Hoàng Anh - VĐV đến từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 thì bày tỏ: “Sau mỗi lần kiểm tra, bản thân tôi tự điều chỉnh, tự rút kinh nghiệm để tìm đến phương án luyện tập tối ưu nhất. Tôi nhận thấy, thành tích, kết quả dần ổn định và chất lượng nâng cao đáng kể. Động tác càng khó, tôi càng tập nhiều, sự phối hợp, hiệp đồng giữa các thành viên đã đạt đến nhịp nhàng, ăn khớp và đi vào chiều sâu; bây giờ thực sự chúng tôi rất tự tin, chờ mong được thi đấu”. 

Sau 5 tháng ôn luyện, đến cuối tháng 7 tới đây, Ban huấn luyện sẽ lựa chọn lần cuối để xác định 6 tuyển thủ chính thức lên đường sang Nga thi đấu. Bao ngày khổ luyện đầy nỗ lực cố gắng, toàn đội đang tích lũy để có đủ độ chín về kỹ thuật động tác, kỹ năng, kỹ xảo và bản lĩnh làm chủ vũ khí trang bị sẵn sàng cân sức, cân tài với các đối thủ khi tham dự giải Army Games 2021, mang vinh quang về cho Tổ quốc Việt Nam. 

Bài, ảnh: CHU HUYỀN