Vì sao phải đổi tên?

Phát biểu tại họp báo ngay tại Đà Nẵng trưa 11-11 sau ba ngày đàm phán liên tục của 11 bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện những nỗ lực rất lớn của 11 nước thành viên TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tăng cường phát triển thương mại và hợp tác khu vực, thực hiện hội nhập mở cửa hiệu quả hơn.

Giải thích về việc đổi tên và sự khác nhau giữa CPTPP và TPP, ông Trần Tuấn Anh cho biết: “Đây không chỉ đơn thuần là sự khác biệt của Hiệp định có 12 thành viên (TPP-12) với Hiệp định có 11 thành viên (TPP-11), mà quan trọng là việc duy trì TPP-11 với chất lượng rất cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ là về mở cửa thị trường, thương mại kinh tế… Vì vậy, tính chất và chất lượng của Hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ, đó là điều mà tất cả các bộ trưởng đều hướng đến, thống nhất, nhấn mạnh và coi đó là mục tiêu chung cho tính bao trùm của CPTPP.

Vướng mắc được hoá giải và vai trò của Việt Nam

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, vướng mắc lớn nhất trong đàm phán chính là duy trì Hiệp định có chất lượng cao nhất, tìm ra điểm cân bằng mới cho việc duy trì Hiệp định TPP-11 trong bối  cảnh mới. Quá trình đàm phán đều phản ánh quá trình tham vấn, xây dựng chính sách của mỗi quốc gia để đảm bảo mục tiêu hiệu quả cho các nước thành viên.

leftcenterrightdel
 Họp báo công bố kết quả đàm phán CPTPP. Ảnh: Trọng Hải.
“Với tư cách đồng chủ trì cùng Nhật Bản để tổ chức Hội nghị Bộ trưởng TPP giữa năm và tháng 11 năm 2017 tại Đà Nẵng, chúng tôi cũng có những khó khăn nhất định trong duy trì thảo luận, trao đổi cởi mở, thẳng thắn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiết lộ. Theo đó, các bên tham gia đàm phán dựa trên tinh thần xây dựng của các quốc gia thành viên để chia sẻ và tìm ra được điểm cân bằng chung. Với vai trò là đồng chủ trì, Việt Nam và Nhật Bản đã hoàn thành nhiệm vụ của mình để đạt được thỏa thuận Bộ trưởng TPP về những nguyên tắc cơ bản nhất và những yếu tố cơ bản nhất của CPTPP. Những phần việc còn lại cũng đã có hướng để triển khai trong thời gian tới.

CPTPP thu hút sự chú ý đặc biệt tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính nhận xét: CPTPP tác động tích cực đối với hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam. Hiện chúng ta chưa có tính toán, thống kê nào lượng hóa mức độ tích cực này nhưng theo các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam là một trong một số nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định mới này.

Trong khi đó, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dù không phải là chương trình chính trong Tuần lễ Cấp cao APEC lần này nhưng CPTPP đã được thông qua là bước đột phá cho thương mại tự do trong khu vực. Diễn biến đàm phán tại Đà Nẵng lần này đầy kịch tích như một trận đá bóng ở đẳng cấp cao nhất. Kết cục là phần thắng dành cho những người tham gia cuộc đấu đến phút chót.

“Việc Mỹ rút khỏi TPP đã làm cho lòng tin vào triển vọng của Hiệp định bị suy giảm ghê gớm. Nhiều người còn tin chắc sẽ không thể có TPP, nhưng 11 nước còn lại đã kiên trì con đường của mình. Có thể coi đây là một cú đột phá chiến lược. Một điều rất hay nữa, CPTPP hôm nay không đơn thuần là một Hiệp định Thương mại Tự do mà là một Hiệp định Toàn diện và Phát triển trong môi trường Hội nhập. Bản thân tên mới của Hiệp định đã nói lên điều đó”, ông Trần Đình Thiên đánh giá.

Kết quả này, theo ông Trần Đình Thiên, còn hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang trỗi dậy. Nó còn có giá trị của một tuyên ngôn, một thông điệp mang tầm cỡ thời đại đó là xu thế liên kết phát triển ở trình độ cao nhất sẽ là tất yếu. Và trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng, hoàn toàn có thể coi CPTPP vừa được ký kết là một sự kiện mang tính lịch sử.

leftcenterrightdel
Cảng Hải Phòng-xuất nhập khẩu của Việt Nam đều có nhiều cơ hội phát triển khi CPTPP được thực thi. Ảnh: Văn Minh. 
Để đạt thành công như vậy, ông Trần Đình Thiên đánh giá cao vai trò to lớn của nước chủ nhà Việt Nam. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao độ để “giữ” bằng được TPP. Có lẽ nỗ lực như vậy của một nước có trình độ phát triển thấp trong số 11 nước, lại chịu “thiệt thòi” lớn (có thể là lớn nhất) khi Mỹ rút ra khỏi TPP đã tác động tích cực mạnh mẽ đến quyết định của các nước còn lại. Thêm vào đó, thái độ thân thiện, chân thành, sự nhiệt tình, tận tình và chu đáo của nước chủ nhà cũng tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho quá trình đàm phán vốn dĩ rất căng thẳng và đầy khó khăn.

Vui mừng vì có CPTPP, PGS, TS Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đánh giá đây là một bước tiến lớn có tính đột phá, một dấu ấn của APEC 2017 về hội nhập kinh tế quốc tế đa phương. Trong khi đó, TS Đỗ Đức Định, chuyên gia tại Viện Kinh tế và Chính trị thế giới đánh giá: Dù rằng CPTPP gồm 11 nước sẽ không mạnh như khi có Mỹ nhưng đó vẫn là tín hiệu tích cực. Riêng với Việt Nam, nếu còn TPP-12 thì chúng ta được hưởng lợi lớn, giờ thì mức lợi thu được nhỏ hơn nhưng vẫn là rất lớn.

Chung quan điểm trên, GS, TS Đặng Đình Đào, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhận xét: CPTPP là tín hiệu đáng mừng, còn 11 nước thì khối này vẫn thành công vì trong khối, có nhiều nước đóng vai trò quan trọng và là các nền kinh tế lớn.

TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia đã tính toán một loạt con số cụ thể về những mặt được của Việt Nam tại CPTPP: GDP có thể tăng thêm 1,32%, xuất khẩu có thể tăng thêm 4%, nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%... Nhiều nước như Canada, Mexico, Peru là những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại; các ngành như dệt may, da giày... có thể tăng xuất khẩu.

Triển vọng của CPTPP có thể tốt đẹp hơn khi ngay cả các bộ trưởng và các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, CPTPP tương lai không chỉ dừng ở 11 nước. Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng cho biết: Các bên đạt được đồng thuận nhờ có mục tiêu chung là phải đạt được CPTPP nhằm kêu gọi Mỹ quay trở lại.

Việt Nam cần tận dụng đà chạy để tiến lên

Theo ông Nguyễn Đình Thiên, đàm phán xong, mới cần đến năng lực thực thi, năng lực hội nhập thực tế. Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, nổi lên ba tuyến công việc chính gồm: 

Thứ nhất, phải nỗ lực để đàm phán cho xong, cho trọn vẹn các điều khoản để đi đến ký kết thực thi. Điều này phải tích cực, phải đẩy nhanh vì mọi thứ đều có thể xảy ra.

Thứ hai, phải tích cực chuẩn bị các năng lực thực thi – năng lực cạnh tranh sản phẩm – dịch vụ, năng lực thể chế (tuân thủ và vận hành) để đáp ứng các điều kiện khắt khe, các đòi hỏi rất cao của một Hiệp định Phát triển đẳng cấp cao nhất. Vấn đề năng lực bộ máy, năng lực con người, hệ thống luật lệ, chính sách và cơ chế bảo đảm sự tương thích, nguồn nhân lực, lực lượng doanh nghiệp, v.v. Khối lượng công việc là rất lớn và rất phức tạp, với những chất lượng rất mới. Phải hành động theo tư duy đổi mới mạnh mẽ, với tinh thần cải cách cơ cấu triệt để và xây dựng thể chế vượt trội.

Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác phát triển khác, trong đó, trọng tâm là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đặc biệt, cần tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Đây là những mối quan hệ mang tính trụ cột, bảo đảm sự cân bằng, thế vững chắc chiến lược cũng như những lợi ích phát triển hàng đầu.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng nói chung và CPTPP nói riêng thành công tạo nên một cảm hứng tuyệt vời, một động lực mạnh cho những bước tiếp theo. Việt Nam cũng như các thành viên CPTPP đã xác lập được đà chạy và cần tận dụng tốt bước chạy đà này để tiến vượt lên.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, khi đạt được các tiêu chuẩn cao về mặt thể chế, chất lượng quản lý nhà nước cũng như khuôn khổ pháp luật, tạo được sự cạnh tranh trong một nhà nước pháp quyền với môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng… sẽ mang lại động lực tích cực để phát triển. Song sẽ có những điều chúng ta phải "chấp nhận", nhất là những cải cách "động chạm đến lợi ích và quan điểm cũ". Ví dụ, mở cửa thị trường là vấn đề tương đối nhạy cảm, trong khi năng lực cạnh tranh của một số ngành còn rất yếu, có thể phải "trả giá" khi đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài.

MINH HƯNG