Trong lời giới thiệu cuốn sách, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, viết: "Thông qua những trang hồi ức sống động, tái hiện chân thực và những bài thơ đầy cảm xúc trữ tình, các CCB Quân khu Trị Thiên đã làm sống lại những năm tháng chiến đấu trong gian khổ, hy sinh và chói lọi vinh quang. Đồng thời, đây còn là tiếng lòng tri ân tới anh linh những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nội dung cuốn sách là một trong những nguồn tư liệu quý giá, thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân-dân Trị Thiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng đối với mọi người, nhất là thế hệ trẻ".
 |
Quân Giải phóng Trị Thiên nổ súng tiêu diệt địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Do điều kiện địa lý, lịch sử và chính trị-xã hội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến trường Trị Thiên là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và các lực lượng hùng hậu, thiện chiến nhất của quân đội Mỹ và ngụy. Trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, đầy ác liệt, hy sinh, nhưng quân-dân Trị Thiên đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết vượt mọi hiểm nguy, lập nên những chiến công lẫy lừng, có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với chiến trường Trị Thiên mà còn có ý nghĩa đối với cả sự nghiệp kháng chiến của cả nước. Trong đó, nổi bật tiêu biểu là: Cuộc đọ sức đầu tiên với quân đội Mỹ trên chiến trường Đường 9-Khe Sanh, Quảng Trị (1966-1967); cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào (tháng 3-1971); cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và Chiến dịch giải phóng Trị Thiên-Huế năm 1975...
Phản ánh cuộc chiến đấu và các chiến dịch trên đây, cuốn "Hồi ức Chiến trường Trị Thiên" được sắp xếp theo 4 phần: Huế-Xuân Mậu Thân-1968; Quân reo quê Mẹ-Quảng Trị anh hùng; Trị Thiên rợp bóng cờ sao; Tri ân đồng đội.
Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, xin được giới thiệu phần: “Huế-Xuân Mậu Thân-1968”.
Mở đầu phần “Huế-Xuân Mậu Thân-1968” là bài Báo Tết cùng ra trận của Phong Hải, nguyên phóng viên Báo Quân giải phóng Trị Thiên, nói lên sự vui mừng, phấn khởi của cán bộ, chiến sĩ ở một số đơn vị của Trung đoàn 6 khi nhận được Báo Quân giải phóng Trị Thiên số Xuân Mậu Thân 1968 trước giờ tiến về TP Huế. Các chiến sĩ chuyền tay nhau đọc và trầm trồ thốt lên: "Ảnh Bác Hồ đẹp quá! Lại có cả thư chúc Tết của Bác Hồ nữa. Thật là tuyệt!". Một đồng chí đọc to, như để đơn vị cùng nghe: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta! Mọi người vỗ tay, lộ rõ niềm vui trên khuôn mặt. Đồng chí cán bộ trung đội nói: "Chúng ta phải cầm tờ báo Xuân 1968 này vào tặng đồng bào Huế đêm nay. Coi như một món quà của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6 tặng bà con TP Huế. Chúng ta phải đánh thắng trận này làm quà Tết tặng Bác Hồ muôn vàn kính yêu!".
Cuộc chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, sự nổi dậy của quần chúng dưới mọi hình thức đã được tác giả Trọng Cẩn kể lại trong bài "Nhật ký Tết Mậu Thân 1968", “Thành Nội Huế đêm lịch sử” của Phong Hải và bài "26 ngày đêm Tết Mậu Thân-1968" của Thiếu tướng Trần Minh Đức. Theo đó, 2 giờ 30 phút ngày 31-1-1968, giờ G bắt đầu! Những loạt đạn tên lửa ĐKB từ giáp ranh phía tây Thừa Thiên-Huế, như những con rồng lửa, xé toạc màn đêm, sáng rực cả vùng trời Huế, lao vút, trút xuống các vị trí quan trọng của cơ quan, vị trí đầu não của Mỹ-ngụy tại TP Huế và vùng phụ cận. Cùng lúc đó, tiếng nổ của đạn B40, B41, thủ pháo và đạn AK của quân ta nổ ran, ánh lửa lóe sáng, bập bùng như những tràng pháo đón xuân khắp TP Huế, từ Thành nội-phía Bắc, đến Mặt trận 5-phía Nam. Bị đánh bất ngờ, rộng khắp và mãnh liệt, kẻ địch không kịp đối phó, một vài nơi ở Thành nội, địch chống cự lẻ tẻ và yếu ớt. Ngay từ những giờ đầu, các vị trí chủ yếu, trọng điểm của địch ở TP Huế, Quân giải phóng đã chiếm giữ. Lá cờ cách mạng tung bay suốt 26 ngày đêm trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu-Cố đô Huế, là niềm tin, niềm tự hào thôi thúc quân dân Huế tiến công và nổi dậy, không chỉ cho Huế mà cho cả miền Nam. Có được chiến thắng lịch sử ấy, công tác chuẩn bị chiến trường, tập huấn, điều tra nghiên cứu trận địa, mục tiêu của địch đã được tiến hành một cách công phu, tỉ mỉ và hết sức thận trọng, bởi nếu "sai một ly đi một dặm", sự thất bại hy sinh không thể lường được. Bài "Một lần xuống hầm bí mật" của Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hồ Phấn, nguyên chiến sĩ trinh sát Đại đội 11A-Quân khu Trị Thiên đã nói lên điều đó.
Phối hợp với bộ đội và các tầng lớp nhân dân, lực lượng thanh niên, sinh viên thành lập Hội Thanh niên, sinh viên cách mạng. Họ chia thành đoàn, tổ, nhóm cùng bộ đội đào hầm, hào giao thông, xây dựng trận địa cho bộ đội; tuyên truyền chủ trương, chính sách của mặt trận để bà con hiểu, tin tưởng, giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ mặt trận; vận động nhân dân thành lập chính quyền cách mạng ở khu phố… Thanh niên, sinh viên Huế cũng là lực lượng tích cực tham gia công tác vận chuyển thương binh từ thành phố ra vùng giải phóng. Và cũng chính họ vận chuyển đạn dược, lương thực, thuốc men từ hậu cứ, vùng giải phóng vào thành phố. Có nhiều người hăng hái tự nguyện gia nhập các đội tự vệ, bổ sung cho các đội biệt động, lực lượng Quân giải phóng đánh địch phản kích, nhiều người trở thành chiến sĩ liên lạc dẫn đơn vị đánh địch trên đường phố. Có những cá nhân, tập thể chiến đấu dũng cảm lập chiến công xuất sắc, như Tiểu đội 11 cô gái sông Hương…
Cuộc chiến đấu của quân-dân mặt trận Huế đã bước sang ngày thứ 11, 12. Ta vẫn làm chủ thành phố, phát triển lực lượng, chiếm thêm một số vị trí, giành thêm nhiều thắng lợi. Chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều khu phố, quần chúng tích cực tham gia giúp đỡ bộ đội trong công tác hậu cần, nuôi dưỡng, cứu chữa thương binh. Thắng lợi này đã tạo thêm niềm tin của quần chúng đối với mặt trận. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, kẻ địch hồi tỉnh, Sở chỉ huy Sư đoàn 1 ngụy ở Mang Cá chưa bị thiệt hại nên địch vẫn chỉ huy thu gom, dồn quân, kêu viện phản kích quyết liệt. Đây cũng là một vấn đề có tính quy luật của chiến đấu, chiến tranh. Mặt khác, tuy chúng ta đã chuẩn bị khá đầy đủ, công phu về mọi mặt, đặc biệt là nghiên cứu về địch, nhất là điều tra, nghiên cứu những mục tiêu, vị trí quan trọng, nhưng không vào sâu để nghiên cứu một cách đầy đủ các vị trí bố trí của Sở chỉ huy Sư đoàn 1 ngụy ở Mang Cá. Vì thế, đêm đầu tiên tiến công, bộ đội ta có lên được mặt thành đánh địch một vài vị trí và có những vị trí ta đánh lướt qua, chưa tiêu diệt được địch nên kẻ địch ở đây đã kịp thời hồi tỉnh, phản kích quyết liệt.
Những ngày tiếp theo, Sở chỉ huy Sư đoàn 1 ngụy ở Mang Cá là nơi chỉ huy, tập hợp tàn quân bị ta đánh chạy, lẩn trốn ở thành Huế, nay phản kích lại các đợt tấn công của ta và các vị trí ta chiếm giữ. Không những thế, chúng lại được quân Mỹ-ngụy tiếp viện từ Khe Sanh-Quảng Trị vào, từ Phú Bài ra; quân lính thủy từ sông Hương đánh lên. Bom của Mỹ từ máy bay giội xuống, pháo từ hạm đội Mỹ ở ngoài biển bắn vào, gây cho ta những thiệt hại không nhỏ.
Cuộc chiến đấu giữ TP Huế của quân-dân Huế ngày càng trở nên khốc liệt, khó khăn bội phần. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Minh, khi đó là Phó bí thư Khu ủy Trị Thiên, Chỉ huy trưởng Mặt trận Huế gửi điện ra Trung ương "Xin chuyển hướng tiến công về nông thôn”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp ký điện trả lời: “Quyết giữ và dứt điểm Huế" (trích bài "Bác Hồ và Trung ương nghe báo cáo chiến thắng Mậu Thân-Huế 1968" của Lê Minh, nguyên Phó bí thư Khu ủy Trị Thiên).
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, quân và dân Mặt trận Huế giữ vững, quyết siết chặt đội ngũ, xốc lại lực lượng, khẩn trương chuẩn bị lực lượng, vũ khí, các trận địa, xây dựng phương án đánh địch trong thành phố; cùng với chính quyền cách mạng, cùng các lực lượng biệt động, tự vệ… tuyên truyền, vận động lực lượng thanh niên, sinh viên ở lại cùng bộ đội đánh địch; sơ tán lực lượng già yếu, trẻ con ra vùng nông thôn hoặc vùng giải phóng… Mọi công việc được các lực lượng, đơn vị chuẩn bị một cách khẩn trương với không khí phấn khởi nhưng cũng rất điềm tĩnh. Những công việc trên diễn ra cùng với các trận đánh phản kích trên từng góc phố, đường phố.
Cuộc chiến đấu bước sang ngày thứ 15, 16. Bộ đội ta chiến đấu dài ngày, lại ở trong thành phố, ăn uống thất thường, rất ít thời gian được nghỉ ngơi nên sức khỏe giảm sút. Sức chịu đựng của nhân dân cũng có hạn, nhất là khi phải chịu cảnh bom đạn khủng khiếp, tàn phá nặng nề. Nhiều người không chịu nổi, không cầm được nước mắt. Quân số của ta bị thương vong ngày càng nhiều; vũ khí thì không thiếu, nhưng cơ số đạn vơi dần, nhất là đạn B40, B41 chống tăng. Sự chi viện của cấp trên, nhất là bổ sung quân số, đạn dược tuy có, nhưng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức chiến đấu của nhiều đơn vị, mặc dù về tư tưởng, quyết định đánh địch giữ thành phố của bộ đội không hề nao núng.
Càng về sau, cuộc chiến đấu giữa ta và địch càng trở nên khốc liệt. Quân địch được bổ sung nhiều sư đoàn, có xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ phản kích ta. Bộ đội ta, nhờ có trận địa được chuẩn bị đã đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch. Ta và địch giành nhau từng vị trí, có nơi đánh giáp lá cà, xe tăng địch bốc cháy trên đường phố.
Để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho đợt tiến công tiếp theo, bộ đội trong Thành nội được phép rút ra khỏi thành phố. Trong bài "26 ngày đêm Tết Mậu Thân-1968", Thiếu tướng Trần Minh Đức viết: "Trận tập kích chiến lược vào Huế đã kết thúc thắng lợi… Hầu hết các mục tiêu lớn ta đều đánh chiếm được, nhưng địch không bị tiêu diệt hoàn toàn…". Trong bài "Nhớ về Xuân Mậu Thân", Đại tá Hồ Hữu Lạn, CCB Đoàn 8, Quân khu Trị Thiên, viết: "Địch tập trung cao độ mọi hỏa lực, Đoàn 8 Sông Lô như chìm trong mưa bom bão đạn, vẫn kiên cường giữ vững trận địa, đánh bại mọi đợt tấn công của địch, bảo vệ vững chắc trận địa…”. Trong bài "Tết Mậu Thân-Nhớ lại và đôi điều suy ngẫm", Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, CCB Đoàn 8, Quân khu Trị Thiên, nhớ lại: "Sau 26 ngày liên tục bám trụ Huế, giành giật, chống trả nhiều đợt phản công với quy mô lớn của bộ binh địch (cả quân Mỹ và quân ngụy), dưới sự bắn phá ác liệt của phi pháo địch, mặc dù đã được bổ sung mấy đợt liền, nhưng vẫn không bù đủ số quân thương vong của trung đoàn. Quân số thiếu hụt, vũ khí đạn dược đã cạn kiệt, bảo đảm lương thực khó khăn, không thể duy trì được sức chiến đấu… Ngày 22-2-1968, Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên lệnh cho Trung đoàn 8 chúng tôi rút ra khỏi Huế, hành quân về vùng giáp ranh Bình Điền-Hương Trà để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho những trận chiến đấu tiếp theo".
Sau khi bộ đội ta rút khỏi TP Huế, kẻ địch chiếm lại được thành phố. Một số ngụy quân, ngụy quyền chạy trốn trong những ngày trước, nay quay trở về, cùng với những tên ác ôn, điệp báo của chúng nằm vùng ra mặt trả thù, tàn sát cán bộ cơ sở của ta đã bộc lộ trong đợt tiến công và nổi dậy. Một số đồng bào giúp đỡ bộ đội ta, giúp đỡ mặt trận… cũng bị chúng bắt bớ tù đày, sát hại. Đây là một tổn thất hết sức nặng nề mà phải sau mấy năm chúng ta mới gây dựng lại được.
Đánh giá về thắng lợi, ý nghĩa thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân-Huế 1968, sau nhiều năm nhìn lại, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, trong bài "Tết Mậu Thân-Nhớ lại và đôi điều suy ngẫm", viết: "Ý kiến qua lại thì nhiều, trong đó có cả ý kiến khác biệt, trái chiều. Điều đó cũng dễ hiểu. Xưa nay vẫn như vậy… Tựu trung lại có thể khái quát đánh giá chung của các lần hội thảo là: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giành được thắng lợi to lớn, toàn diện, có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Ta đã táo bạo, bất ngờ tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực cao cấp của Mỹ-ngụy; đánh chiếm những mục tiêu hiểm yếu, phá hủy một khối lượng quan trọng các phương tiện chiến tranh và cơ sở hậu cần hiện đại nhất của Mỹ-ngụy. Thắng lợi đó, về cơ bản đã đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đã tạo ra một sự đột biến làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo điều kiện và thời cơ tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Cùng quan điểm cách đánh giá trên, Thiếu tướng Phan Khắc Hải, CCB Cục Chính trị Quân khu Trị Thiên, có vinh dự đi cùng Trung đoàn 6, có mặt tại Thành nội Huế suốt 26 ngày đêm, chứng kiến sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 6; sự đoàn kết gắn bó keo sơn cùng tiến công và nổi dậy của quân và dân Thành nội Huế; sự hy sinh, mất mát của đồng đội, đồng bào trên mảnh đất Thành nội. Trong bài "Đôi điều về Huế-Mậu Thân 1968" đã khẳng định và nhấn mạnh: "Cùng với thắng lợi của quân-dân ta ở miền Bắc cũng như ở miền Nam…, thắng lợi vang dội của quân-dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần quan trọng, có ý nghĩa quyết định làm lung lay, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Với thắng lợi đó đã buộc chính quyền Mỹ tuyên bố xuống thang cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chịu ngồi vào bàn Hội nghị Paris đàm phán với ta. Từ đây, cách mạng Việt Nam mở ra một cục diện mới: Vừa đánh, vừa đàm… Thắng lợi trên đây cũng tạo ra một cơ hội, ta có điều kiện để chuẩn bị lực lượng, xây dựng cơ sở vật chất, chi viện cho cách mạng miền Nam, chuẩn bị cơ sở cho thắng lợi của các chiến dịch lớn…".
Được tin thắng lợi to lớn của quân và dân ta ở Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bác Hồ đã khen ngợi: "Bác rất vui mừng vừa qua Huế đã đánh giỏi, công tác giỏi, thu được nhiều thắng lợi to lớn". Biểu dương chiến tranh nhân dân ở Huế trong Tết Mậu Thân, điển hình là 11 cô gái sông Hương, tháng 2-1968, Bác đã gửi thư khen: Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường/ Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường/ Bác khen các cháu dân quân gái/ Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.
Và Bác Hồ đã tặng quân-dân Huế 8 chữ vàng: "Tấn công-Nổi dậy-Anh dũng-Kiên cường".
50 năm đã qua, nhưng bài thơ chúc mừng năm mới Xuân Mậu Thân 1968 của Bác Hồ vẫn vang vọng, thúc giục đồng bào và chiến sĩ cả nước “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”.
PHONG HẢI