Điển hình là việc xây hầm vũ khí bí mật tại địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3; hầm trong các căn nhà ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh ngày nay).
Căn hầm vũ khí bí mật tại địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu do ông Trần Văn Lai (Năm Lai) bắt tay xây dựng từ năm 1962, tại nhà riêng của ông. Căn hầm hoàn thành sau 7 tháng, sức chứa trên 10 người, có chỗ thông hơi để người xuống ở thở được, có đường cống ngầm ăn thông từ sau ra trước và từ trước ra sau, có nắp lỗ ga để tạm rút hoặc chiến đấu với địch. Cửa hầm và nắp hầm đúc bằng khuôn sắt dày và khít, trên lát 6 viên gạch hoa ngụy trang, nằm ngay vị trí phòng khách giữa nhà, rất khó nhận ra được miệng hầm. Tháng 9-1967, ông Lai bắt đầu tập kết vũ khí. Theo các tư liệu ghi chép của ông, ba chuyến xe vũ khí chở tới 350kg thuốc nổ TNT, 20kg C4, 40m dây nổ, 150 kíp nổ, 216 nụ xòe, 8 súng B40, B41 và 20 quả đạn, 15 khẩu AK và 3.000 viên đạn, súng ngắn K.54, K.59 và 200 viên đạn, 50 lựu đạn và các trang bị chiến đấu khác như quân trang, quân dụng, băng đạn... Tổng cộng hơn 2 tấn vũ khí được cất giấu tại đây.
 |
Đội vũ trang Ban Tuyên huấn Đặc khu Sài Gòn-Gia Định nhận vũ khí chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Tháng 10-1967, Trung ương Cục miền Nam tổ chức lại lực lượng biệt động gồm các Đội: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và Đội 90C. Sau này, thành lập thêm Đội 11 để đánh Tòa Đại sứ quán Mỹ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đánh vào 9 mục tiêu như: Dinh Độc lập (Đội 5), Đài Phát thanh Sài Gòn (Đội 4), Bộ Tư lệnh hành quân ngụy (Đội 3), Bộ Tổng tham mưu ngụy (Đội 6), Tổng nha Cảnh sát (Đội 2), Biệt khu Thủ đô (Đội 8), cổng Phi Long sân bay Tân Sơn Nhất (Đội 9), khám Chí Hòa (Đội 90C), Tòa Đại sứ Mỹ (Đội 11). Mỗi mục tiêu có một cơ sở cung cấp vũ khí. Theo đó, hầm chứa vũ khí bí mật nằm ở số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu phục vụ Đội 5 đánh Dinh Độc Lập. Lực lượng đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn nhận vũ khí từ căn hầm số 1 nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), trong căn nhà của đồng chí Năm Mộc, người chỉ huy trận đánh này.
Riêng Đội 11 mới thành lập từ các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cơ quan tham mưu Biệt động Sài Gòn. Đội được trang bị vũ khí, hỏa lực mạnh và được huấn luyện gấp rút cho anh em sử dụng các loại vũ khí của ta và của địch. Đúng kế hoạch, lúc 0 giờ ngày mồng 2 Tết, cán bộ, chiến sĩ Đội 11 cùng súng B40, súng tiểu liên, lựu đạn đánh vào Tòa Đại sứ quán Mỹ...
HƯƠNG NGÂN (Theo tài liệu của Bảo tàng và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)