Công tác bao gói và chống ẩm cho VKTBKT là vấn đề được ngành quân khí quan tâm nhằm bảo đảm đủ số lượng, chất lượng VKTBKT tốt nhất cho kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Nhiệm vụ bao gói, phòng, chống ẩm VKTBKT trong các kho hang đá đã được Cục Quân khí chỉ đạo ngành triển khai từ hội nghị chuyên đề tháng 9-1966. Các đơn vị quân khí đã nghiên cứu và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật như: Cải tạo hang đá; xử lý nền, thông gió, chống dột, thoát nước và bảo quản VKTBKT thường xuyên. Quá trình thực hiện, các đơn vị quân khí đã áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình, các công đoạn và tổ chức các tổ, đội bảo quản, sửa chữa đến từng kho hang, đi theo đơn vị; phân cấp bảo đảm kỹ thuật VKTBKT phù hợp điều kiện thực tế.

Bằng sự nỗ lực sáng tạo, ngành quân khí đã hoàn thành kế hoạch trang bị cho chiến trường Nam Bộ hơn 50.000 súng bộ binh, trong đó chiếm số lượng lớn súng B40, B41 cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ở hướng chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968, ngành quân khí tham gia tiếp nhận, dự trữ, bảo đảm bổ sung cho các đơn vị 2.320 tấn vũ khí, đạn dược; hệ số kỹ thuật xe pháo đạt từ 92% đến 98%, pháo mặt đất đạt từ 87% đến 91,6%, súng, pháo phòng không đạt từ 77,8% đến 90%. Cục Quân khí trong năm 1968 ngoài việc bổ sung, trang bị hoàn chỉnh cho nhiều sư đoàn vào chiến trường B, còn cấp phát cho chiến trường miền Nam 32.289 tấn vũ khí, khí tài, đạn dược. Sự chi viện VKTBKT kịp thời từ miền Bắc góp phần để quân và dân miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giành được thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.

HƯƠNG NGÂN

(Theo tài liệu của Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật)