Trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Cục TTLL cử các đoàn cán bộ nghiên cứu tình hình; tăng cường cán bộ, nhân viên kỹ thuật, phương tiện, khí tài, trang bị TTLL và vật chất cho chiến trường miền Nam; thành lập Cơ quan thông tin Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, do đồng chí Phó cục trưởng Cục TTLL làm chủ nhiệm.
 |
Báo vụ viên sửa chữa máy thu bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trên chiến trường Trị - Thiên. Ảnh tư liệu |
Tháng 4-1967, Cục TTLL thông qua kế hoạch cấp phát bổ sung khí tài TTLL cho Đoàn 559 phục vụ vận chuyển trong mùa khô 1967-1968. Số lượng trang bị gồm: 104 đài vô tuyến điện sóng cực ngắn R-105Đ, 9 bộ đài 15W 102E, 2 máy thu 139, 2 xe R-104M, 29 tổng đài loại 5421 và LP-30, 198 điện thoại loại 0743, 14 máy tải ba kiểu TTF-1, hơn 1.100km dây điện thoại bọc PVC và cấp pin bảo đảm đủ cho hoạt động trong chiến dịch vận chuyển toàn mùa. Phục vụ chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Cục TTLL cấp phát đủ vật tư cho Trung đoàn 132 xây dựng đường dây trần kéo dài từ Trạm cơ vụ A72 (An Bờ, Quảng Bình) vào Quân khu Trị-Thiên (B4) và chuẩn bị gấp kho chân hàng 72K phục vụ chiến dịch. Chỉ trong thời gian ngắn, Trung đoàn 132 đã tiếp nhận hơn 200 tấn vật tư xây dựng đường dây trần TTLL và chuẩn bị 80 tấn hàng dự trữ ở Kho 72K phục vụ chiến dịch. Đồng thời, Cục TTLL cử các đoàn cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra công tác bảo đảm trang bị và bảo đảm kỹ thuật khí tài TTLL của các Sư đoàn 304, 320, 325; các Trung đoàn Pháo binh 45, 675 và các Trung đoàn Phòng không 241, 218… tham gia chiến dịch Đường 9-Khe Sanh.
Ở hướng miền Nam, Bộ tư lệnh Miền thành lập các tiểu ban TTLL của lực lượng công binh, tình báo, biệt động, đặc công và bảo đảm các trang bị TTLL vô tuyến điện, gồm đài 102E, máy 2W, khí tài thông tin AB-64, AB-67, K63, PRC-25, máy vô tuyến điện VTS… Phòng Thông tin Miền điều chỉnh cán bộ giữa cơ quan với đơn vị, đơn vị với đơn vị và điều động nhiều cán bộ, học viên ở các trường, lớp huấn luyện H19 để tăng cường cho chiến đấu. Đồng thời, các xưởng, trạm thông tin Miền tăng cường sản xuất, sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật khí tài TTLL cung cấp cho các đơn vị, nhất là lực lượng đánh sâu vào hậu phương địch, tác chiến trong thành phố, đô thị. Riêng Xưởng X35 thông tin Miền đã sản xuất 26 máy thông tin Ấp Bắc, 40 tăng âm công suất lớn Vạn Tường, lắp ráp máy thông tin SG-68 để trang bị cho lực lượng đánh vào nội đô, ven đô Sài Gòn-Gia Định, các đơn vị tình báo, quân báo, trinh sát...
Ở các nhà máy, xưởng TTLL miền Bắc, cán bộ, công nhân kỹ thuật nỗ lực, khẩn trương sản xuất, sửa chữa khí tài TTLL kịp thời gửi vào chiến trường miền Nam. Nhà máy Thông tin M1 thành lập thêm xưởng sản xuất linh kiện, ban đo lường. Ban Kỹ thuật thuộc Phòng Trang bị kỹ thuật, Cục TTLL, tổ chức nghiên cứu khai thác 10 tổng đài 100 số P-198M…
Đáp ứng yêu cầu kế hoạch cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đến tháng 1-1968, lượng khí tài, vật chất TTLL gửi vào chiến trường miền Nam cơ bản hoàn thành. Trong đó, hướng Quân khu 5 (B1) đạt hơn 108 tấn, các hướng Nam Bộ (B2), Tây Nguyên (B3), Trị-Thiên (B4), Bắc Quảng Trị (B5) đạt gần 500 tấn, với nhiều khí tài TTLL trọng yếu như bộ thu phát 62, 63, 102E, máy điện thoại 0743, hàng trăm nghìn km dây bọc và hàng trăm tấn pin khô, nguồn điện quay tay…
NGUYỄN NHẬT QUANG