Do Đà Nẵng là một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn, nên kế hoạch tiến công, nổi dậy được các cấp ủy xây dựng rất cụ thể, phù hợp, đặc biệt là đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy để giành thắng lợi.
Trước những thắng lợi về quân sự, chính trị của ta, nhất là trên "ba mũi giáp công" ở Mặt trận Quảng Đà, quân và dân Đà Nẵng đã tạo được thế và lực, đưa phong trào cách mạng không ngừng nâng cao. LLVT TP Đà Nẵng đã sáng tạo nhiều cách đánh Mỹ, lập được nhiều chiến công, nhân rộng nhiều mô hình, phong trào kháng chiến, như: “Toàn dân đánh Mỹ”, “Toàn tỉnh là một vành đai”, triệt để thực hiện khẩu hiệu “Đảng bám dân, dân bám đất, bộ đội địa phương và du kích bám địch”… Nhờ đó, trước Tết Mậu Thân 1968, quân và dân TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Đà đã làm cho Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn rơi vào tình trạng bị động, lúng túng.
 |
Kho xăng An Đồn của địch tại Đà Nẵng bị đánh cháy trong Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Tháng 10-1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và TP Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà, nhằm kết hợp chặt chẽ và phát huy cao độ sự hỗ trợ giữa 3 vùng chiến lược, giữa “3 mũi giáp công” chính trị-quân sự-binh địch vận, trong đó tập trung chủ yếu cho đô thị Đà Nẵng. Quyết tâm của Đặc khu ủy Quảng Đà trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là: Đánh vào Đà Nẵng nhằm làm tê liệt và thiệt hại nặng các cơ sở hậu cần, trận địa pháo, sân bay địch; chiếm lĩnh một số điểm khống chế thành phố; cắt đứt các đường giao thông vào thành phố. Sử dụng một bộ phận bộ binh phối hợp với biệt động thành đánh chiếm một số mục tiêu chủ chốt trong thành phố và trụ lại để hỗ trợ quần chúng bên ngoài vào và bên trong nổi dậy chiếm lĩnh các mục tiêu quân sự, chính trị, giành chính quyền của địch.
Dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, các địa phương tổ chức quần chúng, các cơ sở đào hầm bí mật phục vụ cho bộ đội chủ lực ở trên cứ về ém quân đánh vào Đà Nẵng. Nhiều gia đình ở các huyện, thị xã: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, vùng ven Hòa Vang... đào hầm chôn cất vũ khí, nuôi giấu cán bộ, bộ đội; quyên góp vàng, bạc, tiền, gạo, vật chất hậu cần cho chiến dịch. Hàng nghìn thanh niên nam, nữ khắp Quảng Đà hăng hái tham gia tải đạn, đưa vũ khí từ A Sờ, A Lưới (Thừa Thiên-Huế) về phục vụ chiến dịch. Nhân dân huyện Duy Xuyên sát bên đồn địch đã đưa hàng nghìn bộ đội qua sông. Nhân dân huyện Điện Bàn, thị xã Hội An đã giấu một lực lượng lớn bộ đội và làm tốt công tác hậu phương ngay giữa vùng Mỹ đóng. Mọi công việc được tiến hành bí mật, lặng lẽ, nhưng cũng hết sức khẩn trương, sôi nổi. Trong các khu dồn dân, chi bộ hợp pháp của ta cũng đã xây dựng được các trung đội đấu tranh chính trị mà nòng cốt là các gia đình binh sĩ ngụy. Do làm tốt công tác xây dựng cơ sở, tạo lập "thế trận lòng dân" vững chắc, mà việc chuẩn bị cho một chiến dịch lớn, huy động đến hàng chục nghìn người tham gia, song yếu tố bí mật tại chiến trường Quảng Đà vẫn được giữ vững đến phút chót, kẻ địch không hề hay biết.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Đà Nẵng, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Cùng với các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân Quảng Đà đã giáng một đòn chí mạng vào kẻ thù, giành thắng lợi chiến lược, buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris.
PHAN HƯƠNG NGÂN
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)