Đây là một trong những cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ Đường 9 của địch. Đánh chiếm cứ điểm Làng Vây trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968, góp phần thu hút địch ra phía Bắc tỉnh Quảng Trị, tạo điều kiện cho quân và dân miền Nam tiến công và nổi dậy đánh Mỹ và ngụy quyền. Tuy nhiên, qua kiểm tra và khai thác tù binh, ta biết được ở trung tâm cứ điểm Làng Vây còn có 2 hầm ngầm lớn. Quân Mỹ và chỉ huy cứ điểm, điện đài thông tin của địch còn đồn trú ở đó, chờ quân tăng viện, giải cứu.

Được tù binh chỉ đường, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 304) sử dụng lực lượng đánh hầm ngầm. Song hầm ngầm địch xây dựng kiên cố, bộ đội ta dùng bộc phá 15kg không phá nổi. Trong khi đó, địch ở trong hầm rất ngoan cố. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 gọi hàng, song địch nhất quyết không ra. Bộ đội ta thông báo sẽ tập trung thuốc nổ, bộc phá để phá hầm. Rồi dùng một khối bê tông to giả làm bộc phá đặt xuống cửa hầm để lừa địch. Thấy vậy, địch vội vã xin hàng và ra khỏi hầm. Ta bắt sống 30 binh lính địch, trong đó có một lính Mỹ.

Ở hầm thứ hai, địch ngoan cố hơn. Bộ đội ta gọi hàng và dùng bộc phá, B4, lựu đạn vẫn không phá được hầm. Cuối cùng, ta phát hiện được vị trí đặt an-ten nối với điện đài thông tin của địch dưới hầm ngầm và phá hủy chúng. Địch không liên lạc được với lực lượng tiếp viện, đành cho nổ bom tự sát toàn bộ trong hầm ngầm. Như vậy, đến 10 giờ ngày 7-2-1968, trận đánh Làng Vây kết thúc hoàn toàn.

HƯƠNG NGÂN

(Theo tài liệu của Sư đoàn 304, Quân đoàn 2)