Đại tá Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn), nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn và Đại tá Tư Chu, nguyên Phó tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định kể lại: Trận đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ được xác định vào chiều ngày 23-1-1968 (23 tháng Chạp), khi có sự chỉ đạo của Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định Võ Văn Kiệt.

Lúc đó, tất cả các mũi tấn công của biệt động Sài Gòn đã được lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng cho tổng tiến công và nổi dậy. Song trong kế hoạch chưa có trận đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ. Vì vậy, khi Bộ tư lệnh Sài Gòn-Gia Định báo cáo kế hoạch tác chiến với Thường vụ Khu ủy, Bí thư Võ Văn Kiệt chỉ đạo: Bằng mọi giá, biệt động Sài Gòn phải đánh cho bằng được Tòa Đại sứ quán Mỹ để gây tiếng vang về đối nội, đối ngoại, quốc tế.

Chấp hành mệnh lệnh của trên, trận đánh mục tiêu Tòa Đại sứ quán Mỹ được giao cho Đội 11. Đội mới thành lập bao gồm cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ quan tham mưu biệt động Sài Gòn, do đồng chí Ngô Thanh Vân (bí danh Ba Đen) phụ trách. Ba Đen là chiến sĩ biệt động, người giữ chìa khóa của 12 hầm vũ khí trong nội thành. Khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Ba Đen yêu cầu: Để vận chuyển vũ khí, phải cần 200.000 USD để ngụy trang và hối lộ các trạm kiểm soát của địch; việc vận chuyển vũ khí theo Quốc lộ 22 từ An Tịnh (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) đến Bầu Mây-Củ Chi, phải xong trong ngày 25 Tết. Trong 5 ngày, Đội 11 tập trung huấn luyện bắn súng, sử dụng hỏa lực mạnh như súng B41 và vũ khí của địch. Bằng tài năng và sự thông thạo thành phố, đồng chí Ba Đen đã tổ chức hoàn chỉnh lực lượng và đột nhập vào thành phố Sài Gòn bằng đường công khai. Sáng 28 Tết, Đội 11 đã có mặt ở các nơi ém quân. Ngày 29 Tết, các xe vũ khí đã được đưa vào các điểm hẹn. Tối 29 Tết, Ba Đen đến nghe hiệu triệu và khai lệnh ở nhà số 7 Yên Đổ (tiệm Phở Bình).

Đúng kế hoạch, lúc 0 giờ Mồng 2 Tết, các tổ biệt động tiếp cận mục tiêu, dỡ bỏ vật ngụy trang, nhanh chóng tiến công. Địch canh gác Tòa Đại sứ quán Mỹ bị bất ngờ, chống trả yếu ớt. Sau loạt súng đầu và hỏa lực B40, các chiến sĩ biệt động đã vào được Tòa Đại sứ quán Mỹ và lần lượt tấn công lên lầu 1 và lầu 2. Rạng sáng, trực thăng địch đổ quân trên nóc Tòa Đại sứ và ném lựu đạn vào các tầng phía dưới nơi quân ta đã chiếm. Tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ đến tiếp viện từ dưới đánh lên và từ trên đánh xuống. Cuộc tiến công kéo dài đến sáng mồng 2 Tết. Tất cả các chiến sỹ biệt động hy sinh, chỉ còn đồng chí Ba Đen bị thương nặng và bị địch bắt.

Trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ kéo dài hơn 6 giờ đã làm chấn động nước Mỹ và dư luận thế giới. Một trận đánh không cân sức, song các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã thể hiện tinh thần quả cảm, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, không quản hy sinh để góp phần làm nên thắng lợi chiến lược chung của toàn cuộc.

GIANG ĐỨC HIẾU