Tham gia họp mặt có các đồng chí: Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh; Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cùng 260 đại biểu là Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các nhân chứng lịch sử và 152 người con của các liệt sĩ hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Các nhân chứng tham gia buổi họp mặt.

Phát biểu tại buổi họp mặt, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nêu rõ: Đêm 30 rạng sáng ngày 31-1-1968, súng đã nổ trên toàn miền Nam, trong đó, chiến trường trọng điểm là Sài Gòn – Gia Định, Đà Nẵng, Huế cùng hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 – Khe Sanh. Ngay giữa lòng đô thành, ngay tại trung tâm đầu não của kẻ thù, cách mạng đã gây dựng nên chiến lũy của lòng dân, vùng căn cứ lõm, là hậu phương đồng thời cũng là tiền tuyến, tạo nên nhiều chiến công vang dội, tiêu hao sinh lực địch, khích lệ tinh thần tổng tiến công và nổi dậy khắp miền Nam.

Các nhân chứng tham gia buổi họp mặt.

50 năm đã đi qua nhưng vẫn còn đó rất nhiều nhân chứng trực tiếp tham gia chiến dịch Mậu Thân; những người vợ, người mẹ tựa cửa thời gian trông ngóng chồng, đợi tin con và những đứa con của các anh hùng, liệt sĩ đã lớn lên, trưởng thành trong sự thiếu vắng của tình cha tình mẹ. “Cuộc họp mặt này, là sự thành kính tri ân những con người đã ngã xuống, tri ân những con người thầm lặng gánh chịu những mất mát của chiến tranh, để san sẻ tình riêng cho vận mệnh chung, để đâu đó vẫn chấp nhận cả những thiệt thòi chưa kịp bù đắp trong thời hậu chiến. Lòng biết ơn sẽ dẫn dắt những bước đi, những sự tiếp nối để thế hệ hôm nay làm sao sống cho xứng đáng, cho không hổ thẹn trước những hy sinh để làm nên chiến thắng của thế hệ trước mà thế hệ sau được nhận lãnh, truyền trao và thụ hưởng”, bà Tô Thị Bích Châu chia sẻ.

 Thành viên Ban tổ chức giúp đỡ các nhân chứng vào chỗ ngồi.

Các nhân chứng chia sẻ tại buổi gặp mặt. 

Cháu Lê Ngọc Mai Uyên (cháu nội của Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng) giao lưu cùng các nhân chứng.
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm (người cầm hoa) cùng các nhân chứng, thân nhân liệt sĩ tại buổi họp mặt.

Tại buổi gặp mặt, các nhân chứng lịch sử đã bày tỏ tình cảm và sự biết ơn đối với Đảng, Nhà nước, UBND TP Hồ Chí Minh đã quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần đối với nhân chứng lịch sử và thân nhân liệt sĩ trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Tin, ảnh: TRẦN HUY BÌNH