NSƯT Thanh Loan đã kể về quãng thời gian gần 4 năm lăn lộn cùng các đồng nghiệp để hoàn thành tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam.
Phóng viên (PV): Là một nghệ sĩ đã từng có thời gian được học tập và trưởng thành trong môi trường Quân đội, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến với mỗi vai diễn của chị?
NSƯT Thanh Loan: Khi 15 tuổi, tôi vào công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, sau đó được cử đi học ở Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Tháng 2-1967, tôi được mang quân hàm binh nhì. Sau đó, tôi chuyển công tác sang làm phát thanh viên của Truyền hình Quân đội nhân dân rồi lại sang làm ở Truyền hình Công an nhân dân. Trước khi nghỉ hưu, tôi là Phó giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân.
Với tôi, chính những năm tháng trong quân ngũ là quãng thời gian đẹp nhất bởi môi trường quân đội đã rèn luyện cho tôi nhiều điều. Từ một cô gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chưa từng trải qua khó khăn, vất vả trong cuộc sống nhưng khi hóa thân vào các nhân vật đòi hỏi sự hy sinh, diễn những cảnh như ngâm mình trong bùn đất hoặc trong thời tiết mưa nắng thất thường, tôi vẫn cảm thấy bình thường và nhập vai tự tin.
 |
NSƯT Thanh Loan (ngoài cùng từ trái qua) khi vừa nhập ngũ. |
PV: Ai là người đầu tiên đưa chị đến với vai diễn này?
NSƯT Thanh Loan: Bộ phim nhựa dài 4 tập “Biệt động Sài Gòn” là bộ phim nhựa màu đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Bộ phim đã được chiếu lại nhiều lần trên các phương tiện truyền thông và để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng.
Khi bộ phim này quay được gần 1 năm mà đạo diễn vẫn chưa tìm được người đóng vai Ni cô Huyền Trang. Lúc đó tôi đang công tác ở Truyền hình Công an nhân dân, họa sĩ Trịnh Thái tình cờ gặp tôi ở Sài Gòn và báo cho đạo diễn Long Vân là có diễn viên Thanh Loan hóa thân vào vai diễn này rất phù hợp. Đạo diễn Long Vân đưa kịch bản cho tôi đọc. Đọc kịch bản xong, tôi thấy đây là vai diễn hay, có đất cho diễn viên diễn xuất nên sau đó tôi xin ý kiến của cơ quan để đi đóng bộ phim này. Cấp trên đã tạo điều kiện để cho tôi theo đoàn làm phim đến khi hoàn tất.
Công đoạn làm bộ phim này rất công phu, sau mỗi cảnh quay tại Sài Gòn lại chuyển ra Hà Nội để tráng, in thử, nếu tốt thì mới chuyển sang thực hiện những cảnh khác.
 |
NSƯT Thanh Loan trong phim “Biệt động Sài Gòn’’. |
PV: Chị gặp thuận lợi, khó khăn gì khi vào Ni cô Huyền Trang trong phim “Biệt động Sài Gòn”?
NSƯT Thanh Loan: Đây là bộ phim điện ảnh nên quay rất cầu kỳ, sau khi đọc kỹ kịch bản, lý lịch nhân vật thì đạo diễn yêu cầu diễn viên phải đi thực tế. Vì vậy, tôi phải gặp các nguyên mẫu của Biệt động Sài Gòn trước đây để qua đó mình hiểu được nhân vật và nhập vai thuận lợi hơn. Ngoài ra, tôi phải vào chùa học để học cách đi khất thực thế nào cho đúng, tụng kinh ra sao, gương mặt, thần thái của người tu hành phải từ bi, dáng đi khoan thai. Hơn nữa, trong bộ phim này, tôi được đóng cùng với những diễn viên giỏi như: Quang Thái, Thúy An, Thương Tín, Bùi Cường…các bạn diễn đều có nghề và đam mê với nghề nên đó là thuận lợi để tôi hóa thân vào vai Ni cô Huyền Trang.
Cái khó khi vào vai Ni cô Huyền Trang là khuôn mặt của tôi phải chuyển hóa nhanh để hóa thân vào mỗi cảnh diễn, lúc thì là gương mặt của nhà sư, lúc là gương mặt của chiến sĩ biệt động…
 |
NSƯT Thanh Loan. |
PV: Hình ảnh nguyên mẫu các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn để lại dấu ấn thế nào với chị?
NSƯT Thanh Loan: Tôi rất cảm kích sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, giữa đô thành, khi mà sự cái sống và cái chết luôn cận kề nhưng họ vẫn luôn giữ vững tinh thần sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và có cuộc sống rất bình dị, thanh bạch.
Nhân vật nguyên mẫu ngoài đời là Tư Chu thì trong phim là Tư Chung, có vợ là Ngọc Mai. Trong phim, đạo diễn vẫn giữ nguyên tên của các chiến sĩ biệt động bởi đây là một mối tình đẹp. Nhân vật Ni cô Huyền Trang lấy nguyên mẫu là Ni cô Huyền Thông. Nữ tu sĩ Huyền Thông trong quá trình tu hành đã giác ngộ và theo cách mạng. Bà bị địch bắt, tra tấn nhưng vẫn một lòng, một dạ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân.
PV: Cảnh Ni cô Huyền Trang bị tra tấn bằng điện có phải là cảnh khó diễn nhất của chị trong phim này?
NSƯT Thanh Loan: Trước khi diễn cảnh tra tấn bằng điện, tôi phải đi tìm hiểu để biết được bị điện giật thì chân, tay diễn thế nào. Khi vào quay cảnh này thì nguyên tắc là chỉ được quay 3 đúp nhưng ngay từ đúp đầu tiên tôi đã hoàn thành.
Cái khó nữa là khi quay những cảnh lớn như Ni cô đi khất thực dưới trời mưa thì phải có 4 xe cứu hỏa phun nước, tạo mưa, phải phun hết 4 xe nước mới xong bối cảnh này. Có những đoạn đại cảnh phải phân luồng giao thông để mọi người không đi vào. Khi quay những cảnh này rất khó bởi bị chi phối từ ngoại cảnh, diễn viên phải diễn lại nhiều lần. Vì thế, để nhập vai, diễn viên phải quên hết tác động xung quanh để thì mới diễn được. Quay xong những cảnh này, tôi đã bị ốm.
PV: Phải chăng, Ni cô Huyền Trang là vai diễn để lại ấn tượng quá mạnh với chị mà sau này dường như khán giả không thấy chị trong những vai diễn khác?
NSƯT Thanh Loan: Tôi nghĩ, cuộc đời một nghệ sĩ khi đã lên đến đỉnh cao thì nên dừng lại, cũng như cầu thủ bóng đá nên rời sân cỏ đúng lúc.
Ni cô Huyền Trang là một vai diễn đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, tôi không muốn công chúng mất đi hình ảnh này nên không dám nhận những vai khác.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)