Thực hiện kế hoạch của khu ủy, quân và dân Củ Chi đã gấp rút chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra đúng dự kiến. Ông Lê Quang Thành (Tư Thành), 93 tuổi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cách mạng miền Nam, người trực tiếp chỉ đạo các hoạt động ở Củ Chi, nhớ lại:
- Cuối tháng 11-1967, được Trung ương Cục phân công, tôi trở về vùng “tam giác sắt” (Củ Chi-Trảng Bàng-Bến Cát) để chuẩn bị cho chiến dịch lớn lúc bấy giờ chưa được công bố. Củ Chi thời điểm đó cũng có nhiều đoàn cán bộ quân-dân-chính về đây chuẩn bị cho chiến dịch. Tôi liên hệ với Huyện đoàn Củ Chi và Phân khu 1 củng cố tổ chức đoàn ở các xã; nắm lại lực lượng thanh niên là du kích, tổ chức dân quân ngày canh gác, đêm vận chuyển vũ khí, dọn dẹp chiến trường. Gần một tháng chuẩn bị, chúng tôi làm việc trong điều kiện căng thẳng, chỉ gặp nhau hội họp vào ban đêm, bởi ban ngày phải đối phó với những trận càn của địch.
 |
Ông Tư Thành (bên phải) trong lần gặp lại đồng đội năm xưa. |
Tình huống mà ông Tư Thành kể lại là vào một ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, máy bay địch đổ quân ngay tại khoảng trống đầu ấp, nơi đó có hầm trú ẩn dự kiến dành cho ông và hai cán bộ. Không kịp chạy tới hầm, ông Thành cùng người cận vệ và đồng chí Tư Tươi, Thường trực Phân khu 1, phải xuống hầm dự phòng ẩn nấp. Nhưng khi vừa mở cửa hầm thì phát hiện một thanh niên lạ đang ngồi trong đó. Tình huống cấp bách, cả ba buộc phải xuống hầm. Ông Thành quán triệt cho cậu thanh niên phải im lặng, tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của ông. Vừa dứt lời thì có tiếng gõ cửa hầm, hỏi nhỏ: “Mày ở trong đó à?”. Nguy hiểm quá! Đồng chí cận vệ giương súng lên. Cậu thanh niên líu ríu: “Đừng bắn! Bạn em đấy”. Ông Thành suy nghĩ rất nhanh, cho vào thì hầm quá chật, phải ngồi lâu sẽ rất ngột ngạt, thiếu khí thở, nhưng để cậu ta đi lỡ bị địch bắt thì lộ hết… Thế rồi, người thanh niên chui xuống hầm và cũng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy mấy người lạ. Trong khoảng thời gian cùng lánh nạn, ông Thành đã tìm hiểu hoàn cảnh, biết họ đều trốn lính, tưởng hầm bỏ hoang nên thường xuyên trú ẩn dưới hầm này. Ông tìm lời phân tích, thuyết phục được họ gắn bó cuộc đời mình với cách mạng. Kết quả là ngay trong những ngày Tết năm đó, hai thanh niên này đã thường xuyên tiếp tế củ mì, khoai lang luộc, xôi, bánh tét xuống hầm cho cán bộ, du kích. Ông Tư Thành còn thống nhất với Huyện ủy Củ Chi tin tưởng giao cho họ cùng du kích vận động nhân dân quyên góp lương thực, thuốc men, tham gia vận chuyển, che giấu thương binh. Họ trở thành cơ sở tin cậy của lực lượng cách mạng trong suốt những năm kháng chiến.
Nhớ lại câu chuyện tình cờ đó, ông Tư Thành tươi cười, bảo: “Phải biết tin tưởng, dựa vào dân. Nếu không có lòng dân thì sẽ không có căn hầm nào đủ rộng, không có địa đạo nào đủ dài để che chở cho chúng ta an toàn đánh giặc”.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH