Cuộc tổng tiến công đã đưa chiến tranh vào tận hậu phương địch, đánh trúng các cơ quan đầu não và sào huyệt của đế quốc Mỹ, tiến công 45 sân bay và hàng loạt căn cứ quân sự quan trọng khác, đẩy lùi một bước ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải quay về chiến lược phòng ngự toàn diện trên chiến trường miền Nam và xuống thang ở miền Bắc.

Cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ Thành Huế trong cuộc tập kích chiến lược Xuân Mậu Thân 1968.

Đại tá Nguyễn Đình Hoàn, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 20 (Sao Thủy) thuộc Sư đoàn 325, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh sâu vào sào huyệt của địch tại thị xã Nha Trang, Khánh Hòa nhớ lại: Với khí thế thi đua “Quyết tử cho Tổ quốc, quyết sinh”, 11 giờ 30 phút ngày 29-1-1968 (tức ngày 30 Tết Mậu Thân), tất cả các đơn vị thuộc Trung đoàn Sao Thủy và lực lượng bộ đội địa phương của tỉnh Khánh Hòa được giao nhiệm vụ chia thành 3 mũi ém quân vào từng vị trí theo kế hoạch.

Mũi thứ nhất gồm bộ đội địa phương K88 và 2 đội đặc công K90, K91 có nhiệm vụ thọc sâu đánh vào sở chỉ huy và đội quân tiếp viện 5 của địch đóng tại trung tâm thị xã Nha Trang. Mũi thứ hai là “mũi chủ yếu 1” gồm đại đội 2, tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn Sao Thủy và lực lượng bộ đội địa phương K88 được giao nhiệm vụ đánh vào đồi Trại Thủy, sau đó thọc sâu đánh vào Trung tâm đài phát thanh của địch; Đại tá Nguyễn Đình Hoàn được giao nhiệm vụ thảo văn bản để khi đánh chiếm được đài phát thanh sẽ lên đài phát thanh để tuyên truyền và kêu gọi binh lính Mỹ đầu hàng. Mũi thứ ba là “mũi thứ yếu 2” do Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 cùng với bộ phận hỏa lực cối 82, ĐKZ-75 có nhiệm vụ vượt qua cánh đồng Mỹ Tú thuộc xã Vĩnh Thạnh tiến vào đánh bốt Ông Đề, sau đó phát triển đánh vào đài truyền tin của địch, còn một tổ phát triển đánh vào trại giam của địch tại số 51 Lê Hồng Phong, Nha Trang.

Tác giả và Đại tá Nguyễn Đình Hoàn, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 20 (Sao Thủy) thuộc Sư đoàn 325.

Đúng 1 giờ kém 15 ngày 30-1 (tức mùng 1 Tết), tất cả các mũi được lệnh đồng loạt nổ súng, quân địch bị bất ngờ không kịp trở tay, lực lượng của ta nhanh chóng làm chủ hoàn toàn các vị trí chiến lược. Đến 8 giờ sáng ngày mồng 1 Tết, địch huy động hơn 1000 quân cùng với xe tăng, xe thiết giáp tổ chức phản công từ nhiều hướng hòng lấy lại các vị trí đã bị ta bao vây và làm chủ nhưng các lực lượng của ta đã chiến đấu ngoan cường để giữ vững trận địa. Cũng thời gian đó, cuộc tổng tiến công và nổi dậy được diễn ra ở khắp các tỉnh, thành phố trên toàn miền Nam. Đêm 31-1-1968, quân và dân Trị Thiên-Huế đã nổi dậy, tiến công thần tốc chiếm dinh tỉnh trưởng, đài phát thanh, sân bay, phá nhà lao Thừa Phủ để giải thoát 2000 tù chính trị, đồng thời tiến công tiêu diệt căn cứ trung đoàn thiết giáp ngụy ở Tam Thai… Chỉ sau 48 giờ quân và dân ta đã làm chủ thành phố Huế, giữ vững suốt 26 ngày đêm. Còn tại Sài Gòn quân và dân ta đã đánh mạnh và đánh trúng vào tất cả các cơ quan đầu não của địch; dinh Độc Lập bị tiến công dữ dội, còn sứ quán Mỹ thì bị đánh chiếm đến tầng thứ 5; Bộ Tư lệnh thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Sân bay Tân Sơn Nhất, sở chỉ huy các sư đoàn bộ binh số 1, 9, 25 và Sư đoàn dù 101 của Mỹ đều bị đánh phá ác liệt.

Mặc dù chưa được giải phóng nhưng đây là cuộc tổng tiến công lịch sử, quân và dân ta đã đánh sâu, đánh hiểm vào cơ quan đầu não của địch, làm cho chúng bị hoang mang lo sợ và giảm sút ý chí. Chúng ta đã đánh bại cuộc “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, buộc quân địch đang từ thế tiến công phải chuyển sang thế phòng thủ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 200.000 tên địch, trong đó có 70 lính Mỹ và quân chư hầu; làm tan rã 210.000 quân ngụy, bắn rơi và phá hủy 3.400 máy bay, diệt 5000 xe tăng và xe cơ giới cùng 490 khẩu pháo, 330 tàu, xuồng chiến đấu các loại; giải phóng hơn 1000 thôn, ấp… buộc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra (31-3-1968) và ngày 1-11-1968 phải chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

Bài, ảnh: MAI VĂN ĐÔNG