Đại tá Lê Công Thạnh nhớ lại: “Ngay từ đầu tháng 10 năm 1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Bộ Chính trị chủ trương thống nhất Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng, thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà; đồng thời tăng cường cán bộ quân sự của Quân khu 5, lập Mặt trận 44 Quảng Đà (gọi tắt là Mặt trận 4). Lúc bấy giờ, tôi đang là Phó phòng Cán bộ Quân khu, quân hàm Thiếu tá, được lệnh phân công xuống làm phái viên trực tiếp triển khai, sâu sát công tác chuẩn bị cho Mậu Thân.
Xác định tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, tôi cùng đồng đội và nhân dân tích cực chuẩn bị mọi mặt từ cơ sở vật chất, vũ khí, đạn dược, lương thực, đến thành lập các phòng, ban, bệnh xá… trên quy mô lớn, bảo đảm đủ và vượt cơ số gấp 3, 4 lần tích lũy. Lúc này, quân Mỹ tăng cường rà soát, lùng sục, kiểm tra nghiêm ngặt từ nông thôn đến thành thị. Quân dân ta đã bí mật chuẩn bị mọi phương tiện một cách khẩn trương với khí thế hừng hực quyết tâm đánh lớn, nhằm giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của Mỹ. Bên cạnh việc vận động sự ủng hộ, quyên góp từ quần chúng nhân dân, ta chủ động mua thêm gạo, đạn dược từ các đầu mối trong thành phố”.
 |
Đại tá Lê Công Thạnh kể về sự kiện Tết Mậu Thân 1968. |
Bồi hồi, ông kể tiếp: “Hồi đó, khó khăn, thiếu thốn vô cùng. Lắm lúc một tiểu đội 10 người, hết 6, 7 người nhịn cơm, ăn rau và măng rừng, nhường phần cho 3, 4 người kia ăn để đủ sức đi cõng đạn. Thương lắm những tiểu đội nữ vận tải hậu cần đi cõng gạo giữa đêm. Nhiều khi, trời tối đen như mực, men theo đường ruộng lầy lội, bị tuột mất chiếc dép, chân trần dò dẫm cõng gạo nuôi quân nhưng đôi mắt họ vẫn ánh lên niềm lạc quan, yêu đời. Rồi một đêm, địch đánh hơi được, bất ngờ phục kích, cả tiểu đội đều hy sinh.
Vùng 1 chiến thuật là trọng điểm tiến công quân sự của ta trong toàn miền Nam. Đà Nẵng là thành phố quan trọng, đồng thời là căn cứ liên hợp của Mỹ, do đó Đặc khu ủy Quảng Đà chủ trương đặc biệt coi trọng công kích quân sự ở Đà Nẵng và đánh sâu vào các mục tiêu: Thị xã Hội An, Nam Phước (Duy Xuyên), Vĩnh Điện (Điện Bàn), Ái Nghĩa (Đại Lộc), Hòa Vang. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ dày dặn kinh nghiệm chiến trường được điều động, cùng các lực lượng như: Trung đoàn Bộ binh 31, 36, 38, 141; Trung đoàn Pháo binh 575, 577; các tiểu đoàn trinh sát, đặc công, thông tin… tập trung ở các căn cứ xung quanh Quảng Đà. Sư đoàn 2 (Quân khu 5) đồng loạt tổ chức lực lượng chính trị ở ngoại thành thành đội ngũ, sẵn sàng tiếp ứng cho nội thành ở tất cả các hướng khi có lệnh. Khí thế cách mạng dâng lên cao ngút. Lúc đó, tôi được Bí thư kiêm Chính ủy Hồ Nghinh phân công cùng Sư đoàn 2 và ba trung đoàn cơ quan hành quân ra tới Điện Bàn, áp sát Hòa Phước, Hòa Châu chờ lệnh.
Ngày 30-01-1968 (đêm 30 rạng ngày mùng 1 Tết Mậu Thân), Khu 5 bắt đầu nổ súng. Binh lực và các lực lượng chính trị áp sát phía ngoài, một số đơn vị ban đêm bí mật lọt được vào bên trong thành phố. Hơn 50 chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 - “con cưng của Quảng Đà” dũng cảm công kích Quân đoàn 1 của ngụy ở đoạn Duy Tân, sân bay trực thăng. Hướng Tây Hòa Vang đến đèo Hải Vân, bộ đội đặc công tiến đánh nhiều trận quyết liệt; đặc công nước nhắm đánh các cây cầu trong thành phố. Trung đoàn pháo binh 575, 577 đánh thẳng vào các căn cứ của địch ở sân bay Đà Nẵng, trạm rađa Phước Tường, kho An Đồn. Bộ binh chặn đánh ở cầu Cẩm Lệ, cầu Đỏ. Ta đồng loạt tấn công bất ngờ ở nhiều điểm trọng yếu, đốt cháy kho đạn, uy hiếp sân bay. Quân Mỹ vô cùng hoang mang, không kịp trở tay.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lịch miền Bắc và lịch miền Nam đã dẫn đến việc thiếu thống nhất về thời gian nổ súng giữa Khu 5 và các vùng trong cả nước. Quân ta bên ngoài thành phố theo lệnh hoãn của Trung ương nên không nổ súng; còn lực lượng bên trong không nhận được lệnh, y theo kế hoạch tiến đánh (sớm hơn cả nước một ngày)”.
Đại tá Lê Công Thạnh ngậm ngùi: “Chúng tôi ‘nằm chờ’ ở ngoài mà lòng như lửa đốt. Các lực lượng chính trị như ‘cá tức trứng’, sẵn sàng nổi dậy nhưng bất thành. Do lực lượng của ta mỏng, địch mạnh, bên trong không có nguồn chi viện từ ngoài vào nên không thành công như dự định. Tuy không đồng loạt cùng cả nước công kích địch, nhưng những trận tiến công bất ngờ, chớp nhoáng vào Đà Nẵng và các vị trí trọng yếu trong đợt 1 đã gây ra không ít tổn thất cho quân Mỹ. Từ thời điểm đánh, cách thức và quy mô đánh đều khiến Mỹ - ngụy không thể lường trước được, từ đó giáng đòn mạnh vào ý chí, tâm lý chiến đấu của chúng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân không dừng lại trong một tháng mà kéo dài đến hết năm 1968. Rút kinh nghiệm sau những sai sót, trong đợt 2 và đợt 3, với ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu ngoan cường, các lực lượng vũ trang Khu 5 nỗ lực đánh liên tục nhiều trận lớn, giành thắng lợi vang dội ở Đà Nẵng và các vùng lân cận, cùng với Sài Gòn – Gia Định, Huế góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Nói đến đây, ánh mắt của vị Đại tá già ánh lên niềm tự hào của một người lính quên mình trong tuyến đầu đánh Mỹ…
Bài và ảnh: THANH THÚY