Kết hợp chặt chẽ giữa đánh nghi binh, rộng khắp và hiểm hóc là tư duy chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng ta, bắt nguồn từ kho tàng nghệ thuật đánh giặc ngoại xâm của ông cha. Vận dụng sáng tạo nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược này, Đảng ta đã có sự chuẩn bị công phu, chu đáo, tỉ mỉ, khi triển khai đã khiến Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bất ngờ, hoảng loạn và thất bại, buộc phải ngồi vào đàm phán đi đến chấm dứt chiến tranh ở nước ta.
Để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng ta đã lãnh đạo, triển khai chiến dịch nghi binh chiến lược ở Đường 9-Khe Sanh. Sau khi nghiên cứu tình hình, cách bố trí lực lượng của địch, cuối năm 1967, Đảng ta vạch ra kế hoạch chiến lược năm 1968. Cụ thể là cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực nhằm thu hút, phân tán lực lượng, tiêu diệt địch mà chiến trường chính là hướng Đường 9-Khe Sanh, thực hiện cuộc tiến công đồng loạt vào thành phố, thị xã kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng, mở đầu cho một cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa lấy chiến trường chính là Sài Gòn, Nam Bộ, Trị Thiên-Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Mặt trận Đường 9-Khe Sanh thực hiện nhiệm vụ thu hút, giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của địch (chủ yếu là lính Mỹ), góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho toàn miền thực hiện đòn chiến lược Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
 |
Nữ tự vệ trong các cơ quan trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẵn sàng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã khẩn trương chuẩn bị, thực hiện nghi binh chiến lược, ghìm chặt quân Mỹ ở chiến trường rừng núi, tạo điều kiện cho đòn tấn công vào các đô thị của ta. Điểm then chốt của chiến dịch nghi binh chiến lược là ta đã tạo được dư luận ở nước Mỹ và quốc tế tập trung vào Đường 9-Khe Sanh. Do đó, Mỹ không thể ngờ tới một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 khắp miền Nam, nhất là ở các đô thị lớn.
Cùng với nghi binh, sự kết hợp nhịp nhàng giữa đánh đồng loạt và đánh hiểm hóc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tạo nên thắng lợi chiến lược. Giữa lúc Khe Sanh trở thành tâm điểm chú ý của nước Mỹ thì tất cả 41 thành phố và thị xã trên toàn chiến trường miền Nam bị quân và dân ta đồng loạt tiến công và làm chủ ở nhiều đô thị, căn cứ quan trọng trong nhiều giờ, nhiều ngày. Sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa đánh nghi binh và đánh đồng loạt tất cả các đô trị trên toàn chiến trường miền Nam gây ra sự bất ngờ lớn cho đối phương. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ta đã tổ chức những trận đánh táo bạo, hiểm hóc, làm cho địch hoảng loạn. Đó là những trận đánh vào các cơ quan đầu não chính trị, quân sự trọng yếu của Mỹ và ngụy quyền ở Sài Gòn, như: Dinh Độc Lập, đài phát thanh, tòa đại sứ Mỹ, bộ tư lệnh hải quân, bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất... Đây là những đòn đánh rất hiểm, vì những nơi này được coi là bất khả xâm phạm, là trung tâm đầu não, nơi tập trung quyền lực cao nhất của bộ máy chiến tranh Mỹ, ngụy quyền, quân địch canh giữ hết sức cẩn mật. Việc đánh vào tòa đại sứ Mỹ chẳng khác gì đánh vào chính nước Mỹ. Với đòn đánh này, niềm kiêu hãnh của nước Mỹ bị tổn thương hết sức nặng nề. Từ chỗ “tìm diệt”, lính Mỹ bị đánh ngay ở chính sào huyệt của chúng, khiến Mỹ không thể huênh hoang, khoác lác, cậy vào sức mạnh vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại.
Có thể khẳng định rằng, kết hợp đánh nghi binh, đồng loạt và hiểm hóc là tư duy chỉ đạo tác chiến chiến lược hết sức sắc sảo của Đảng ta, làm cho đối phương dù "binh hùng tướng mạnh" mà phải cay đắng thừa nhận thất bại. Tư duy chỉ đạo chiến lược kết hợp chặt chẽ giữa đánh nghi binh, đồng loạt và hiểm hóc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện triệt để và sáng tạo, lập nên những chiến công oanh liệt, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ đối với nước ta. Từ những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng ta đã phát triển, vận dụng sáng tạo không ngừng, nhất là trong chỉ đạo nghi binh chiến lược Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975, dẫn đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
PGS, TS HOÀNG MINH THẢO