Con dao hai lưỡi của bộ máy tuyên truyền Mỹ
Nhằm mục đích che giấu bản chất phi nghĩa, trong nhiều năm liền, chính quyền Mỹ thông qua bộ máy truyền thông khổng lồ định hướng dư luận rằng cuộc chiến tại Việt Nam chỉ có quy mô một cuộc xung đột nhỏ. Chính quyền Sài Gòn, dưới sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, đã ổn định tình hình. Những cựu binh, thương binh trở về từ chiến trường hoàn toàn không có tiếng nói; những gì họ trải qua bị giấu kín trên các kênh thông tin đại chúng.
Ngày 26-9-1967, Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson hùng hồn tuyên bố rằng, nhờ sự can thiệp quân sự của Mỹ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam “chỉ còn kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ”. Nhưng thông tin về một đợt tiến công lớn chưa từng thấy nổ ra trên toàn miền Nam là đòn nặng giáng vào uy tín của ông chủ Nhà Trắng. Bộ chỉ huy quân sự Mỹ và các cơ quan tình báo đều thừa nhận họ không hiểu bằng cách nào Quân Giải phóng xuất hiện bất ngờ đến vậy.
Các hãng truyền thông Mỹ bỏ qua toàn bộ khâu kiểm duyệt, lập tức nhảy vào chiến trường để thu thập những hình ảnh “nóng hổi” nhất. Lượng người theo dõi tình hình chiến sự nhiều đến mức tất cả các kênh truyền hình đều dành nhiều thời lượng nhất có thể, cập nhật bằng truyền hình trực tiếp, với những thước phim màu rõ nét ghi lại cảnh mưa bom, lửa đạn. Các phóng viên chiến trường đầu đội mũ sắt, mình mang áo chống đạn lăn xả trên tiền tuyến.
Cùng với “cơn sốt” ấy, sự ác liệt tại Việt Nam được lột tả rõ nét trước toàn thế giới. Người dân Mỹ bừng tỉnh trước cuộc chiến, vốn kinh hoàng hơn rất nhiều những thông tin bị che đậy mà họ được nghe bấy lâu.
 |
Phụ nữ Mỹ đốt thẻ quân dịch của người thân trong một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh. Ảnh: New York Times |
Tết của nước Mỹ, trên chiến trường và tại quê nhà
Cơ quan tuyên truyền của quân đội Mỹ “quảng cáo” rằng, cuộc chiến sẽ chỉ như một “cuộc dạo chơi trong rừng rậm nhiệt đới” hay “chuyến du lịch” để thuyết phục thanh niên thực hiện nghĩa vụ cầm súng “bảo vệ nước Mỹ” khỏi một Việt Nam nhỏ bé, lạc hậu cách họ nửa vòng Trái Đất.
Nhưng những hình ảnh được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng lại cho thấy từng đoàn “khách du lịch có vũ trang” từ Mỹ “đón Tết Mậu Thân” trong chiến hào, trong những đống đổ nát, mương rãnh, rừng rậm, đầm lầy. Xung quanh họ là đồng đội kiệt sức và hoảng sợ, người cố gắng băng bó, giữ chai truyền dịch cho người bị thương, người vội vã ăn khẩu phần dã chiến.
Hàng chục nghìn thanh niên đến tuổi tòng quân đã “hóa vàng” thẻ quân dịch của mình trong các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến phi nghĩa. Các cựu binh, thương binh trở thành tâm điểm trên truyền thông với chủ đề trần trụi về cơn ác mộng mang tên chiến tranh Việt Nam. Lời “cung chúc tân xuân” dành cho chính phủ Mỹ lúc này là hàng loạt băng rôn, biểu ngữ tràn ngập đường phố, như: “Johnson là tội phạm chiến tranh”; “Hãy chấm dứt hủy diệt Việt Nam!” hoặc “Con tôi đã chết tại Việt Nam! Để làm gì hỡi nước Mỹ?”. Hàng trăm nghìn ông bố bà mẹ đối mặt với dùi cui, súng của cảnh sát, yêu cầu chính phủ để những người con của mình được đoàn viên tại quê nhà, chứ không phải bỏ mạng nơi đất khách quê người vì lợi ích của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.
Công chúng thấy những thành phố, làng mạc, ruộng đồng trở thành đống tro tàn bởi “tự do, dân chủ” từ pháo hạm và máy bay ném bom. Sự điêu tàn chủ yếu do công nghệ hiện đại của cỗ máy chiến tranh do Mỹ gây ra, trong khi “kẻ thù của thế giới tự do” như tuyên truyền lại đang chiến đấu trên đất nước họ chỉ bằng trang bị nhẹ. Bức ảnh đoạt giải Pulitzer-giải thưởng báo chí cao quý nhất phương Tây, về một thanh niên bị xử bắn bằng một phát súng vào thái dương giữa ban ngày, lan ra toàn nước Mỹ.
Trước cơn phẫn nộ của người dân, Tổng thống Johnson vẫn ngoan cố tuyên bố rằng Mỹ không bao giờ nhượng bộ, hạ lệnh điều động thêm quân vào miền Nam Việt Nam. Động thái này càng làm hằn sâu thêm sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ, đi vào thơ ca, âm nhạc. Người dân phản chiến không còn quan tâm đến những lời sáo rỗng của giới chính trị. Tiền thuế họ đóng góp bằng mồ hôi công sức lao động đã bị chuyển thành hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí hóa học đổ lên dải đất Việt Nam nhỏ bé, một cái giá quá đắt, quá bạo tàn.
Vết nhơ không bao giờ phai
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đặt dấu chấm hết cho cái nhìn tích cực mà bộ máy tuyên truyền đã cố gắng định hướng cho người dân Mỹ. Có thể nói, Xuân Mậu Thân 1968 là khoảnh khắc hàng triệu người yêu hòa bình tại Mỹ sát cánh chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc cùng với quân đội và nhân dân Việt Nam.
Trước sức ép của dư luận và việc các cố vấn thân cận nhất đều phản đối cuộc chiến, Johnson tuyên bố rút khỏi cuộc tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Phía Mỹ đưa ra tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, đồng ý giảm hiện diện quân sự, đồng thời chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán như một nỗ lực giữ thể diện trước dư luận, nhưng đã quá muộn để cứu vãn uy tín trước lòng yêu hòa bình của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.
ĐĂNG SƠN