1. Tổ chức và xây dựng lực lượng, chuẩn bị đón thời cơ chiến lược

Căn cứ ý định và phương hướng chiến lược của Bộ Chính trị "chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định...", Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy Miền đã chỉ đạo quân và dân trên các chiến trường, đặc biệt là Mặt trận Sài Gòn - Gia Định ra sức chuẩn bị mọi mặt cho "Tết Mậu Thân" 1968. Trước tình hình đó, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức Hội nghị mở rộng để tiếp thu Nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Cục, đề ra kế hoạch, mục tiêu Tổng tiến công và nổi dậy. Nhiệm vụ của Mặt trận là tiến công các căn cứ đầu não của địch tại Sài Gòn; phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền; đồng thời, cùng với lực lượng của Phân khu và của Miền tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội Sài Gòn, đánh đổ chính quyền Sài Gòn các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân. Yêu cầu trước mắt là phải tổ chức lại chiến trường, khẩn trương xây dựng và phát triển thực lực cách mạng, thực hiện 2 nhiệm vụ chính.

Do tính chất đặc biệt quan trọng của Sài Gòn - Gia Định trong Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, Trung ương Cục quyết định giải thể Quân khu Sài Gòn - Gia Định, tổ chức lại chiến trường miền Đông theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Trên cơ sở 5 cánh trước đây, Sài Gòn - Gia Định và một phần của các tỉnh lân cận hình thành 5 phân khu, đồng thời là 5 mũi tiến công vào nội đô gồm: Phân khu 1, hướng tây bắc; Phân khu 2 và 3, hướng tây và tây nam; Phân khu 4, hướng đông bắc; Phân khu 5, hướng bắc; phân khu nội thành (Phân khu 6) phụ trách lực lượng Biệt động, Thành Đoàn, Công vận, Hoa vận, Phụ vận và các cơ sở Đảng ở các "lõm" chính trị. Trên các hướng của 5 phân khu, Bộ Chỉ huy Miền tăng cường một số trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh đơn vị địa phương và hỏa lực của Miền.

Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân. Ảnh tư liệu/cstc.cand.com.vn.

Trung ương Cục thành lập 2 cơ quan: tiền phương Bắc và tiền phương Nam theo sát chỉ đạo Mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Công tác hậu cần phục vụ các đơn vị chủ lực do Miền đảm nhiệm kết hợp với hậu cần tại chỗ của các phân khu, đơn vị, địa phương, trước ngày N của chiến dịch, các lực lượng đã vận chuyển xuống vùng trung tuyến, vùng ven, gạo, thực phẩm, vũ khí cho các đơn vị. Riêng lực lượng Biệt động đã chuẩn bị được gần 400 cơ sở, trong đó có nhiều điểm trú ém quân và hầm chứa vũ khí. Các địa phương ở vùng trung tuyến đã huy động hàng chục vạn ngày công vận tải hậu cần ra tuyến trước.

Nhiệm vụ của các đơn vị được phân công như sau:

Các đơn vị Biệt động mang bí số từ 1 đến 9 sau đó thành lập thêm đội Biệt động 11 làm nhiệm vụ đánh các mục tiêu ở nội đô và các đơn vị của lực lượng vũ trang Thành phố phối hợp với các đơn vị tiến công địch ở các hướng:

Ở hướng tây bắc (Phân khu 1), Tiểu đoàn Quyết Thắng 1, Tiểu đoàn Quyết Thắng 2, Tiểu đoàn 8 pháo binh phối hợp với Trung đoàn 16, Trung Đoàn 88, Tiểu đoàn đặc công 429, Sư đoàn 9 tiến công địch từ hướng tây bắc vào nội đô.

Ở hướng tây (Phân khu 2), Tiểu đoàn 6 Bình Tân phối hợp với Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 269 của Quân khu 8 và các Tiểu đoàn 16, 12, Tiểu đoàn pháo binh của Quân khu 8 và 2 Đại đội trinh sát làm nhiệm vụ đánh địch ở hướng tây thành phố.

Ở hướng nam (Phân khu 3), Tiểu đoàn 5 Nhà Bè phối hợp với Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn pháo Kiến Tường (Long An) và Tiểu đoàn Phú Lợi tiến công địch ở hướng nam thành phố.

Ở hướng đông (Phân khu 4) Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 10 đặc công Rừng Sác và Trung đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 7 của Miền tiến công địch 1 hướng đông thành phố.

Ở hướng bắc (Phân khu 5) Tiểu đoàn 4 Thủ Đức, các đơn vị địa phương Quận 8 phối hợp với Trung đoàn Đồng Nai, Tiểu đoàn 3 Dĩ An tiến công địch ở hướng bắc thành phố.

Đêm 30 rạng 31-1-1968 (tức đêm mùng 1 rạng ngày mùng 2 Tết Mậu Thân), các đơn vị mũi nhọn và biệt động đã đồng loạt nổ súng tiến công nhiều mục tiêu ở nội ngoại thành Sài Gòn. Lực lượng biệt động do đột nhập bằng đường hợp pháp nên ngay từ phút đầu đã vào ém quân gần các mục tiêu đầu não như: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài Phát thanh, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân...

2.Tổng tiến công và nổi dậy đợt 1, từ đêm ngày 30 rạng 31-1-1968 đến ngày 28-2-1968

Tại Dinh Độc Lập, Đội 5 biệt động gồm 17 cán bộ, chiến sĩ triển khai đội hình xuất phát tiến công. Tuy nhiên, do chênh lệch về lực lượng, vũ khí, trang bị và địch tổ chức phòng ngự kiên cố nên đơn vị phải triển khai đội hình chiến đấu trên đường Nguyễn Du. Sau đó rút vào nhà số 56 Thủ Khoa Huân và tổ chức cố thủ trên tầng 3.

Tại Bộ Tổng Tham mưu, Cụm biệt động 679 gồm 27 cán bộ, chiến sĩ tấn công vào cổng số 4 (ngã ba Trương Quốc Dung - Võ Tánh, nay là đường Hoàng Văn Thụ). Địch chống trả quyết liệt ngay từ đầu nên các mũi xung kích không phát triển vào được bên trong căn cứ, phải trụ lại dọc các ngôi nhà kế cận, lợi dụng địa hình chiến đấu. Tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên, bắn cháy 2 xe GMC và phá hủy 1 súng đại liên. 

Các đồng chí lãnh đạo Phân khu 1 (Sài Gòn - Gia Định) họp bàn kế hoạch tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Dương Thanh Phong/hanoimoi.com.vn.

Phối hợp với cụm biệt động, Tiểu đoàn 2 Gò Môn nổ súng tấn công cổng số 5 Bộ Tổng Tham mưu, chiếm được Trường Sinh ngữ, phòng hành chính, dãy nhà sĩ quan và hội trường.

Tại Đại sứ quán Mỹ, các chiến sĩ Đội 11 dùng tiểu liên diệt lính gác ở cổng chính ở đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn). Sau đó dùng bộc phá đánh lô cốt góc đường Mạc Đĩnh Chi - Thống Nhất và đột nhập vào trong khuôn viên Đại sứ quán Mỹ. Một tổ án ngữ khống chế cổng chính, để tổ xung kích đánh vào Tòa Đại sứ, chiếm tầng trệt, bắt tù binh Mỹ.

Bị tấn công bất ngờ, địch rối loạn, chống trả yếu. Tình thế thuận lợi, tổ của đồng H Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chiếm được tầng 1 và phát triển đến tầng 3, bắt một số tù binh. Mặc dù bị lực lượng hỗn hợp Mỹ và Sài Gòn đến phản kích tái chiếm Đại sứ quán nhưng Đội 11 Biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm giữ Tòa Đại sứ Mỹ từ tầng trệt đến tầng 3, giữ trận địa được 6 giờ.

Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, Đội 4 biệt động tiếp cận trước cổng đài, nhanh chóng chiếm được khu vực đài phát sóng ở tầng một (1).

Trước sự phản kích quyết liệt của địch, các chiến sĩ biệt động kiên quyết giữ vững trận địa.

Tại Bộ Tư lệnh Hải quân, Đội 3 Biệt động gồm 16 cán bộ, chiến sĩ sử dụng bộc phá đánh sập lô cốt đầu tiên làm hiệu lệnh cho toàn đội xung phong. Địch trong căn cứ đánh trả quyết liệt, các tàu dưới sông dùng hỏa lực bắn đổ đạn vào đội hình của ta.

Ở hướng tây bắc, Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng phối hợp với các đơn vị đánh chiếm căn cứ Cổ Loa, Phù Đổng, giữ trận địa được 2 ngày, sau đó chuyển về khu ngã năm Bình Hòa và ngã ba Cây Thị sát Tòa thị chính và Bộ Chỉ huy tiểu khu Gia Định, phát động quần chúng nổi dậy và trụ lại chiến đấu nhiều ngày. Lực lượng vũ trang Tân Bình đánh địch ở Cầu Ván, Cầu Sắt... Lực lượng vũ trang Bình Chánh giải phóng đồn Hưng Long.

Ở hướng tây, Tiểu đoàn 6 Bình Tân thọc sâu theo trục lộ Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2), đánh địch ở Quận 5, Quận 10, Quận 11 khu vực Sư Vạn Hạnh, Vườn Lài, cư xá Hỏa Xa...

Các Tiểu đoàn của Phân khu 3 đánh chiếm các mục tiêu ở Quận 6 và 8; chiếm cầu số 3, các kho gạo bến Bình Đông, phía bắc cầu Nhị Thiên Đường; một mũi thọc sâu đến đường Hậu Giang, Tháp Mười, Dương Công Trừng, Chợ Thiếc... cùng với cánh Hoa vận phát động quần chúng giành quyền làm chủ ở nhiều khu vực.

Ở hướng bắc, Tiểu đoàn 4 Thủ Đức phối hợp với các đơn vị chiếm được cù lao Bình Quới Tây, trụ lại đánh phản kích nhiều ngày.

Lực lượng vũ trang Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình, Bình Chánh, Tiểu đoàn 7 Củ Chi phối hợp với các đơn vị chủ lực đánh địch ở các bốt Quới Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông, Tân Thới Hiệp, Đông Thạnh, Nhị Bình, Vàm Thuật...

Ở phía đông nam, hỗ trợ cho lực lượng địa phương, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đánh chiếm đồn Phú Hữu, Lý Nhơn, đồn Đông Hòa, Long Thạnh và 6 ấp chiến lược khác. Đội 5 đột nhập cảng Nhà Bè, đánh chìm tàu trọng tải 10.650 tấn...

Đêm 17-2, ta mở cao điểm 2 của đợt 1, các đơn vị của cấp trên và lực lượng vũ trang thành phố tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh MACV, Tổng nha Cảnh sát, đài rađa Phú Lâm, gây cho địch nhiều thương vong, phá hủy nhiều máy bay; tấn công Sở chỉ huy, chiếm Sở chỉ huy Tiểu đoàn 3 dù ở Tân Thới Hiệp (Hóc Môn), đột kích vào kho xăng Vũng Bèo; đánh Tiểu đoàn 30 Biệt động quân ở Phú Lâm và Lữ đoàn 3, Sư đoàn 25 Mỹ ở Vĩnh Lộc (Bình Chánh), phá sập cầu Gò Dưa, cầu Giồng Ông Tố, cầu kinh Thanh Đa...

Nhìn chung, các tiểu đoàn mũi nhọn và các lực lượng vũ trang địa phương, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh chiến đấu, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, dũng mãnh tiến công và chiến đấu anh dũng trên mặt trận nội đô và ven đô. Nổi bật nhất là các đơn vị Biệt động, Tiểu đoàn Quyết thắng, Tiểu đoàn 6 Bình Tân, Tiểu đoàn 7 Củ Chi, Tiểu đoàn 4 Thủ Đức, Tiểu đoàn 5 Nhà Bè đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

3. Tổng tiến công và nổi dậy đợt 2, từ đêm ngày 4 rạng ngày 5-5-1968 đến ngày 18-6-1968

Ở nội đô, các đội vũ trang tuyên truyền, Biệt động các đoàn thể nổi dậy ở vùng Chợ Thiếc, đường Cao Đạt, Bắc cầu chữ Y, đánh chiếm Tòa hành chính Quận 5, khu vực cầu Ông Lãnh, cầu Kho, chợ Năng Xi, đường Trần Hưng Đạo - Quận 2, khu Bàn Cờ - Quận 3, khu xóm Chiếu - Quận 4, ngã tư Bảy Hiền...

Ở hướng tây bắc, Trung đoàn Quyết Thắng phối hợp với Trung đoàn 16 của Miền tiên công tỉnh lỵ Gia Định, khu vực Gò Vấp, Tân Sơn Nhất, đánh chiếm cầu Hang, cầu Băng Ki, xóm Cây Thị, xóm Thơm, xóm Gà, sở Rác, một phần đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, làm chủ 18 ngày đêm trong thành Gia Định.

Ở hướng tây và tây nam, Tiểu đoàn 6 Bình Tân phối hợp với Tiểu đoàn 267, 269 (Phân khu 2), Tiểu đoàn 308 Trà Vinh, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, một số đơn vị và lực lượng vũ trang đoàn thể, đánh địch ở cư xá Phú Lâm, Quận 6, trường đua Phú Thọ, ngã tư Bảy Hiền, Biệt khu Thủ Đô, cầu Tre, đường Hậu Giang, làm chủ ở một số khu vực Chợ Lớn và khu vực đường Nguyễn Văn Thoại, chợ An Đông.

Ở hướng nam, Tiểu đoàn 5 Nhà Bè phối hợp với các đơn vị của Phân khu 3 tiến công vào Quận 4, Quận 8, chiếm giữ cầu chữ Y, đánh Tổng nha Cảnh sát, phát triển vào Quận 1, Quận 2.

Ở hướng đông bắc, Tiểu đoàn 4 Gia Định phối hợp với Tiêu Đoàn 3 Dĩ An, Trung đoàn Đồng Nai đánh địch ở khu vực ngã tư Hàng Xanh, Thị Nghè, Quận 3.

Ở hướng đông, Tiểu đoàn 4 Thủ Đức phối hợp với các đơn vị của Phân khu 4 và Tiểu đoàn pháo binh, pháo kích vào Bộ Tư lệnh Hải quân, khu Tân Cảng, kho Nhà Bè, Dinh Độc Lập.

Ở hướng đông nam, Trung đoàn 10 có nhiệm vụ đánh tàu địch trên sông Lòng Tàu, Xoài Rạp và đánh các kho tàng, cơ quan đầu não của địch.

Lực lượng vũ trang Quận 8 bám trụ đánh địch ở Bến Đá, cầu Sập, Hố Bần, rạch Bà Tàng, cầu Kiệt, đường Âu Dương Lân, Phạm Thế Hiển.

Tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, từ ngày 31-1-1968 đến hết đợt 2, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 47.000 tên địch (phần lớn là rã ngũ, đào ngũ), tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 21 tiểu đoàn, 97 đại đội quân Mỹ, quân Sài Gòn và quân đồng minh của Mỹ, bắn rơi và phá hủy hàng chục máy bay các loại, phá hủy gần 1.000 xe quân sự, trong đó có hàng trăm xe tăng và xe bọc thép, đánh sập 19 cầu cống, tiêu diệt, bức hàng, bức rút 150 đồn bốt. Trong những chiến công to lớn của lực lượng vũ trang thành phố, có sự đóng góp xuất sắc của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã làm chấn động nước Mỹ, đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ", buộc đế quốc Mỹ phải đơn phương ngừng ném bom phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari về việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là một thắng lợi to lớn cả về chính trị, quân sự và ngoại giao.

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng, bất khuất, với thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, chiến công của lực lượng vũ trang thành phố sẽ sống mãi và là hành trang của thế hệ trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi chúng ta và các thế hệ mai sau có thể nhìn rõ ở đó sức mạnh phi thường của lòng yêu nước tuyệt vời, của trí thông minh, sáng tạo, của nghệ thuật chiến tranh nhân dân giành thế chủ động, tạo bí mật, bất ngờ chiến lược, biết đánh và biết chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

---------------

(1) Theo hiệp đồng của ta, một bộ phận nhân viên kỹ thuật của Đài Phát thanh Giải phóng sẽ đến đọc bản "Tuyên bố của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam" và"Lời kêu gọi ngụy quân ngụy quyền", nhưng lực lượng này không thể cơ động đến mục tiêu đúng như dự kiến.

Thiếu tướng TRƯƠNG VĂN HAI – Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh

* Tham luận được đăng trong kỷ yếu tại Hội thảo “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” tại TP Hồ Chí Minh ngày 29-12-2017.