Trận giao tranh khốc liệt nhất

Ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Huế cách đây 50 năm vẫn còn vẹn nguyên đối với họ, khi đó vốn là những sĩ quan tuổi đời còn trẻ. “Những gì tôi được chứng kiến có lẽ là trận giao tranh khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam”, Howard Prince, một cựu đại úy lục quân từng làm việc với quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhấn mạnh. Trong khi đó, theo Jim Coolican, một cựu đại úy thủy quân lục chiến: “Chúng tôi bị trúng hỏa lực của đối phương. Hỏa lực rất mạnh”. Còn trong ký ức của Mike Downs, một cựu đại úy thủy quân lục chiến khác: “Chúng tôi không biết đối phương ở đâu, thậm chí là họ ở hướng nào cũng không biết”. Chỉ trong vài giờ giao tranh đầu tiên, nhiều người trong đại đội của Mike Downs đã thiệt mạng khi tỷ lệ thương vong lên tới 60%, tương đương với ngày quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Lính thủy quân lục chiến Mỹ bị thương trong trận đánh tại Huế năm 1968. Ảnh: AP

Đối phương có mặt ở khắp nơi. Bên trong nhà dân, ở các đường hầm, thậm chí cả cống nước và họ đã chiếm được kinh thành Huế. Theo Mark Bowden, tác giả của cuốn sách “Huế 1968-Ngã rẽ trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam”, đó là trận chiến khốc liệt nhất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cũng như của cả cuộc chiến tranh Việt Nam, khiến tất cả giới chức Mỹ hoàn toàn bất ngờ. “Tướng William Westmoreland, Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam, đã đưa ra những báo cáo toàn màu hồng. Ông ta đã trấn an người dân Mỹ rằng chiến tranh sắp kết thúc và đối phương thực sự chỉ còn khả năng tiến hành các cuộc phục kích quy mô nhỏ ở những vùng xa xôi trên đất nước Việt Nam”, Mark Bowden cho biết.

“Một lực lượng đáng kể”

Thế nhưng khi Tết đến, quân đội Bắc Việt và Việt Cộng đã tràn qua khắp các thành phố, thị xã, vào tận trong các căn cứ quân sự, thậm chí tấn công cả tòa Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn.

Ở thủ đô Washington lúc đó, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã điện ngay cho Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara yêu cầu một lời giải thích. Bộ trưởng  Robert McNamara nói với ông chủ Nhà Trắng rằng, người dân Mỹ rồi sẽ nhận ra đối phương mạnh hơn những gì mà chính phủ đã nói với họ và đối phương vẫn là “một lực lượng đáng kể”.

Thế mà chỉ 6 tuần trước đó, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã nói với phóng viên Gene Roberts của tờ New York Times rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Khi đó, Gene Roberts đang định đến Việt Nam và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Walt Rostow đã gợi ý cho ông một ý tưởng viết bài. Trong hồi ức của Gene Roberts, Walt Rostow đã kể về một chương trình nông nghiệp mới của Mỹ “sẽ giúp tăng gấp đôi sản lượng lúa tại Việt Nam và đem lại hòa bình vì Mỹ đã chiến thắng trong cuộc chiến”.

Lối thoát duy nhất

Thay vì giành chiến thắng, lính Mỹ hầu như không thể sống sót ở Huế. Phóng viên Gene Roberts đã tận mắt thấy nhiều lính thủy quân lục chiến Mỹ bị thương vì hỏa lực rất mạnh của đối phương. Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ khi đó chỉ kiểm soát được hai tòa nhà trong thành phố, cần chi viện cả người và pháo. Thế nhưng, sự chi viện lại quá chậm chạp. Theo lời kể của cựu đại úy thủy quân lục chiến Jim Coolican, cấp trên đã không hiểu được rằng, lực lượng thủy quân lục chiến đang tuyệt vọng như thế nào trước một đối phương có quân số hoàn toàn áp đảo.

Quân cảnh Mỹ bị thương khi tòa Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn bị tấn công năm 1968. Ảnh: AP

Nhiều phóng viên có mặt tại Huế lúc bấy giờ, trong đó có các phóng viên của đài NBC. Những bức ảnh của họ cho thấy một cảnh tượng tuyệt vọng. Một lính thủy quân lục chiến Mỹ nói với các phóng viên rằng chỉ muốn được về nhà.

Thế mà tướng William Westmoreland lại nói giảm đi, tuyên bố với báo giới rằng mục tiêu thực sự của đối phương là một căn cứ thủy quân lục chiến rộng lớn và xa xôi ở Khe Sanh: “Theo tôi, đây chỉ là nghi binh. Đối phương đã lên kế hoạch tấn công tại tỉnh Quảng Trị, từ Lào tiến về Khe Sanh và qua khu phi quân sự”.

Tuy nhiên, theo Prince, một cựu sĩ quan lục quân Mỹ từng tham chiến tại Huế, thì tướng William Westmoreland đã phải chứng kiến điều ngược lại khi trận Khe Sanh mới chính là nghi binh: “Tướng William Westmoreland và các cố vấn của ông ta chú tâm vào Khe Sanh tới mức không còn đoái hoài gì tới các thông tin khác”.

Khi đến Huế, Walter Cronkite, phát thanh viên của đài CBS, nhanh chóng nhận ra rằng, các nguồn tin chính thức mà ông nhận được ở Washington đều là dối trá. Những gì chứng kiến tại chiến trường khiến ông phải khẳng định trên sóng truyền hình rằng, đã đến lúc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh. “Lối thoát hợp lý duy nhất chính là đàm phán”, Walter Cronkite đã nói với khán giả truyền hình toàn quốc như vậy.

Bài học cho cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan

Theo tác giả Mark Bowden, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ làm xói mòn niềm tin của dư luận vào chính sách Việt Nam của chính phủ Mỹ mà còn khiến người dân mất đi sự tôn trọng dành cho giới cầm quyền. “Hết cuộc giao tranh tại Huế, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lại đến vụ Hồ sơ Lầu Năm Góc, rồi vụ Watergate, tất cả đều là những sự kiện thảm họa xét trên phương diện đánh giá của dư luận dành cho giới cầm quyền”, ông Mark Bowden nhận xét.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng thống Lyndon Johnson phát biểu trên truyền hình là sẽ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam. Sau đó, ông ta cũng đã tự “ném bom chính mình” bằng cách tuyên bố không tái tranh cử.

Tác giả Mark Bowden cho rằng, chiến tranh Việt Nam lẽ ra phải là bài học cho cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan: “Chúng ta thường bị sa lầy tại những nơi mà chúng ta không có hiểu biết về văn hóa, lịch sử. Chúng ta không thể giành được sự ủng hộ của người dân dù đó là ở Iraq hay Afghanistan và đó là hậu quả của sự kiêu ngạo, thiếu hiểu biết”.

HOÀNG VŨ (lược dịch)