Trước thềm xuân Mậu Tuất 2018, chiếc xe chở đoàn CCB Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 Miền Đông Nam bộ về nguồn thăm chiến trường xưa tại chiến trường miền Đông Nam bộ nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, bon bon lên đường hướng từ Cần Thơ về Sài Gòn. Trên xe, các CCB tay bắt mặt mừng, ngồi ôn kỷ niệm một thời hoa lửa gắn liền với các địa danh nơi mọi người đã sống và chiến đấu với quân thù vào những ngày trước giải phóng.

Đến địa bàn xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, Đại tá Huỳnh Xuân Thạnh với ánh mắt qua ô cửa sổ, nhìn xuôi theo từng con kênh, từng góc đường và ngôi nhà vụt ngang tầm mắt. Khi xe qua cầu sông Chợ Đệm, ông nói: “Đây là nơi tôi bị pháo địch bắn thương khi chỉ huy tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 đánh tiêu diệt gần 1 đại đội lính Mỹ”.

Huỳnh Xuân Thạnh (người ngồi) cùng bạn khi học ở trường Lục Quân vào năm 1965.

Đại tá Huỳnh Xuân Thạnh sinh năm 1940, tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Chứng kiến cảnh tàn bạo của quân thù, tháng 7-1954, ông xung phong tham gia cách mạng, làm du kích quân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Tháng 4-1959, ông được tổ chức xung quân làm bộ đội địa phương tỉnh Hậu Giang. Sau đó được cấp trên cử đi tập kết ra Bắc, học văn hóa, rồi đưa đi đào tạo học lục quân. Năm 1965, ông tốt nghiệp lục quân rồi được điều về Nam chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 miền Đông Nam bộ. Đại tá Huỳnh Xuân Thạnh nhớ lại:

- Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1968, tôi lúc đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 được lệnh xuất kích tiến đánh Sài Gòn theo hướng từ Tây và Tây Nam, từ Long An đánh địch ở quận 6, quận 10 để tiến vào trung tâm Sài Gòn.

Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Huỳnh Xuân Thạnh, gần 450 cán bộ, chiến sĩ hừng hực khí thế xuất quân từ miền Đông, hành quân về Long An và tiến đánh địch ở quận 6. Lúc đó, miền Nam đang vào cao điểm của mùa khô. Tuy gặp nhiều khó khăn vì địa hình sông nước, bằng phẳng và cỏ cây khô cháy… không có địa hình địa vật che khuất nhưng đơn vị cũng đến điểm tập kết theo kế hoạch và bất ngờ tập kích đánh bật địch ra khỏi quận 6 và phòng ngự ở đó 1 ngày 1 đêm. Ông Thạnh kể tiếp:

- Khi đang phòng ngự ở quận 6, đơn vị được lệnh hành quân theo hướng vượt qua địa bàn xã Tân Kiên để tiến vào quận 10. Đến gần ga Phú Lâm, nhận được báo cáo của trinh sát có một trung đội biệt kích Mỹ đang đóng ở đó, tôi lập tức triển khai đội hình vận động, áp sát và nổ súng tiêu diệt địch. Bọn địch bị đánh bất ngờ nên chống trả yếu ớt và bỏ chạy về phía sau. Đơn vị được lệnh tổ chức phòng ngự ở gần ga Phú Lâm.

CCB Huỳnh Xuân Thạnh và vợ.

Sáng hôm sau, địch sử dụng pháo công kích vào đội hình đóng quân của Tiểu đoàn 7. Để tránh bị sát thương, Tiểu đoàn trưởng Huỳnh Xuân Thạnh hạ lệnh rút lui về sau đến gần sông Chợ Đệm để tận dụng những bãi sình lầy cây cối làm nơi trú ẩn và đánh trả địch nếu có tập kích. Khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, Lữ đoàn 25 biệt kích Mỹ tiến đánh đội hình Tiểu đoàn 7. Tuy địa hình không thể làm công sự trận địa vững chắc, nhưng được những gốc đước, thân tràm che đỡ nên bộ đội ta chống trả quyết liệt. Từ thế phòng ngự, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Huỳnh Xuân Thạnh lệnh cho đội hình vận động tiến công để giữ thế chủ động, đánh tiêu diệt sinh lực địch và đánh chi viện, dàn công cho các mặt trận khác. Khi trời nhá nhem tối, Huỳnh Xuân Thạnh ra lệnh cho đơn vị rút lui bảo toàn lực lượng.

Ông Thạnh kể thêm: “Mệnh lệnh vừa được truyền đi thì tôi chỉ kịp nghe tiếng đùng một cái và mê man không biết gì hết. Sau khi tỉnh dậy thấy mình trong bệnh xá quân y của Trung đoàn. Chân tay, thân thể bị băng bó. Sau đó tôi có hỏi chuyện thì được biết, tôi bị mảnh pháo chụp gãy tay trái và thương ở ngực nằm bất tỉnh tại địa điểm chỉ huy. Khi mọi người rút ra đến điểm tập kết thì không thấy tôi đâu, lợi dụng trời tối, đơn vị cử trinh sát quay lại địa bàn tìm và tổ chức đưa về để cứu chữa”.

Theo thông tin từ đơn vị, hôm đó, Tiểu đoàn 7 đã tiêu diệt gần 1 Đại đội lính Mỹ, góp phần quan trọng vào việc chặn đứng quân địch để bảo toàn lực lượng cách mạng. Còn Tiểu đoàn trưởng Huỳnh Xuân Thạnh, sau khi được chữa lành vết thương, ông tiếp tục về đơn vị chiến đấu và được kinh qua nhiều vị trí.

Bài, ảnh: VIỆT HÀ