Năm nay đã 90 tuổi, nhưng kỷ niệm về lần đón Bác ra thăm đảo Cát Bà vẫn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Lê Trung Canh, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Cát Bà (hiện ở tổ dân phố 3, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải). Hôm ấy, gần trưa 31-3-1959, hàng nghìn cán bộ, bộ đội, nhân dân nô nức tập trung về trung tâm đảo. Bác xuất hiện với tác phong thật giản dị, giọng nói ấm áp khiến mọi người trào dâng niềm xúc động. Nhớ về khoảnh khắc ấy, ông Canh kể: “Ngày đó, tôi mang quân hàm thiếu úy, là sĩ quan thuộc Trung đoàn 50, Sư đoàn 350, đóng quân trên đảo Cát Bà. Biết tin Bác đến thăm đảo, bộ đội, nhân dân rất vui mừng, phấn khởi, ra tận bến tàu đón Bác. Chiếc xuồng chở Bác vừa cập bến, Người nhanh chóng đến thăm bà con ngư dân rồi đi về khu trung tâm hành chính và đứng trên bục gỗ nói chuyện với mọi người. Cán bộ, đồng bào và chiến sĩ có mặt đồng thanh hô vang: “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Bác giơ tay vẫy chào mọi người và nhắc: “Bác nói chuyện với đồng bào tại đây, các chú mời đại biểu ở hội trường ra cùng dự”. Rồi Bác căn dặn: Rừng là vàng, biển là bạc, rừng, biển của ta do nhân dân ta làm chủ, phải ra sức khai thác, bảo vệ, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc…; tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chăm chỉ học tập, xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa tốt hơn…

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Lê Trung Canh (ngồi giữa) ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên khi được đón Bác ra thăm đảo Cát Bà.

Kết thúc buổi nói chuyện, Bác vẫy tay chào tạm biệt bộ đội, nhân dân và căn dặn các đồng chí lãnh đạo huyện, rồi xuống tàu. Tàu rời bến nhưng mọi người cứ đứng vẫy tay mãi và cảm thấy tiếc nuối vì thời gian được gặp Bác ngắn quá.

Bà Nguyễn Thị Minh Tuất, giáo viên nghỉ hưu, hiện ở tổ dân phố 10, thị trấn Cát Bà cũng có mặt hôm đón Bác, giờ nhớ lại vẫn thấy lòng rộn ràng xen lẫn nỗi niềm bâng khuâng, khó tả. Bà kể: “Khi đó, chúng tôi là học sinh lớp 4. Trưa 31-3-1959, tan học, tôi và 3 bạn không về nhà mà ra khu cầu tàu chơi nhảy dây. Bỗng tôi thấy có chiếc xuồng từ con tàu lớn đỗ ngoài khơi tiến vào. Khi xuồng cách bờ hơn 100m, nhìn thấy Bác Hồ, chúng tôi vui sướng quá, cứ thế nhảy lên hò reo “Bác Hồ! Bác Hồ! Bác Hồ!”. Xuồng cập bến, các chú công an dẹp lối nhưng chúng tôi cứ chen vào để nhìn Bác được rõ hơn. Bác mặc quần áo ka ki, đi dép cao su, đầu đội mũ cát, bước đi và mọi người ùa theo. Tôi chạy nhanh về nhà gọi: “Mẹ ơi! Bác Hồ ra thăm đảo. Mẹ ra đón Bác đi”, rồi chạy một mạch đến sân ủy ban hành chính huyện và phải chen mãi mới tìm được một chỗ đứng. Bác ân cần hỏi: "Đồng bào ăn có no không? Các cháu có được học hành không?". Tất cả đồng thanh đáp: "Có ạ! Có ạ!". Sau khi nói chuyện với cán bộ và quân dân trên đảo, Bác ra bến tàu... Tôi thấy lòng mình bâng khuâng, nhớ thương Bác vô hạn, bởi Người chẳng có một phút ngơi nghỉ…".

Sau chuyến thăm của Bác, nhà trường tổ chức cho học sinh viết bài tập làm văn tường thuật lại lần Bác về thăm Cát Bà. Bằng cảm xúc và tình cảm trân quý của mình đối với Bác, bài văn của cô học sinh Minh Tuất ngày ấy được điểm 10.  Những người có may mắn được đón Bác đến thăm đảo Cát Bà hơn 60 năm trước đến nay vẫn vẹn nguyên cảm xúc, với lòng kính trọng, biết ơn vô hạn đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc. Bác đã đi xa, nhưng mỗi cử chỉ, lời nói của Người vẫn luôn hiện hữu, nhắc nhở, động viên quân và dân huyện đảo thực hiện tốt những lời căn dặn của Người.

Bài và ảnh: THANH SANG - MINH ĐỨC