Ông Bảng nhớ lại: “Ngày 6-9-1969, chúng tôi đã phong thanh nghe tin Bác mất, và đến ngày 10-9 thì cái tin đau đớn ấy được xác nhận. Thế là toàn thể anh em tù binh trong trại giam Biên Hòa biến buổi chào cờ của địch thành lễ tưởng niệm Bác Hồ. Tất cả chúng tôi đều đội khăn tang được làm bằng bất cứ mảnh vải nào có màu trắng. Một điều lạ là bình thường trước những hành động phản kháng của tù nhân, địch đàn áp rất dã man. Thế nhưng hôm ấy, chúng không có hành động gì, thậm chí còn treo cờ rủ”.

Khoảng giữa tháng 10-1969, nội dung Di chúc Bác Hồ được đưa vào trại giam Biên Hòa qua đường thông tin liên lạc thư, báo mà tổ chức đảng trong trại giam đã duy trì trước đó. Ngay lập tức, nội dung của bản Di chúc được phổ biến tới toàn thể tù binh theo cái cách không ai có thể ngờ tới: Mỗi người học một đoạn rồi đọc cho nhau nghe, từ đó quen dần nên ai cũng thuộc Di chúc của Bác. Sau ngày Bác mất, địch tổ chức đợt khủng bố tâm lý rất thâm độc nhằm làm suy nhược ý chí, lung lạc niềm tin của tù binh. Luận điệu của chúng là: "Ông Hồ chết đi rồi, chúng mày làm sao thắng được chúng tao. Thôi, đầu hàng đi”. Đi cùng với “tâm lý chiến” là cả đòn roi tra tấn đối với người bị coi là “không chịu khuất phục”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Lâm Văn Bảng (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu với các cựu chiến binh TP Chí Linh (Hải Dương) về hiện vật "Lá thư đợi chết".

Trước tình hình đó, Đảng ủy trại giam phát động cuộc đấu tranh chống lại đòn “tâm lý chiến” này. Đây có thể nói là đợt thi đua thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên ngay tại trại giam Biên Hòa. Phương pháp của ta là thường xuyên học tập, trao đổi, giữ vững lập trường chính trị, khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Ông Bảng nhớ lại: “Một trong những lời dặn trong Di chúc của Bác mà chúng tôi nhớ mãi chính là câu: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn". Tôi suy nghĩ về câu này rất nhiều và niềm tin tất thắng đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi để vượt qua những khổ ải đọa đày của địa ngục trần gian”.

Đến giờ, hàng nghìn du khách mỗi khi đến thăm Bảo tàng "Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày" vẫn nghiêng mình kính phục, rơi nước mắt xót thương những chiến sĩ cách mạng trong lao tù khổ ải đã dũng cảm đấu tranh, nguyện hy sinh dành sự sống cho đồng đội. Giữa hàng nghìn hiện vật là vật chứng cho khí tiết cách mạng, có một hiện vật mang tên “Lá thư đợi chết”. Đây là lá thư của CCB Hoàng Thụy Sơn (tức Hoàng Gia Lượng) gửi mẹ và gia đình. Trong thư, Hoàng Thụy Sơn viết: "Chỉ còn chờ lệnh của Đảng ủy phân khu là con được làm “cây đuốc sống”, tự thiêu mình để cứu sống đồng đội. Đã 13 ngày con không được một hạt cơm, đồng đội con nằm la liệt, không gượng được vì đói, khát… Con và anh Kim (Hà Bắc) xin được tự thiêu để bắt kẻ thù phải dừng tay, cứu sống gần 1.000 đồng đội".   

Tôi hỏi CCB Lâm Văn Bảng rằng làm thế nào để những đồng đội của ông có được nghĩa khí ấy? Ông Bảng trầm ngâm giây lát rồi nói: “Thấy niềm tin tất thắng, thấy tương lai đất nước. Trong Di chúc, Bác viết: "Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!". Đó là điều tất cả chúng tôi rất mực tin tưởng”.

Rất may, cả ông Lượng và ông Kim hiện đều còn sống do đợt đó địch nhượng bộ ngay trước giờ phút quyết định. Các ông đã đi nhiều nơi, dự nhiều cuộc gặp mặt, tọa đàm kể về sự việc này. Sắp tới, họ cũng sẽ dự tọa đàm mang tên “50 năm thực hiện Di chúc của Bác” do Bảo tàng "Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày" tổ chức vào ngày 4-9. Đây là cuộc tọa đàm thứ ba về chủ đề này được bảo tàng tổ chức. CCB Lâm Văn Bảng nói: “Thực hiện Di chúc của Bác, hãy thực hiện từ những việc nhỏ, từ việc nhỏ trở thành thói quen, từ thói quen trở thành lối sống”. Ông và đồng đội của mình chính là những minh chứng sống động về một lớp người luôn lạc quan, tin tưởng làm theo lời Bác dạy.

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG