Triển lãm có sự tham gia của nhiều tỉnh, thành phố gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác như: Nghệ An, Cao Bằng, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương cùng các đơn vị: Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, Bảo tàng Hậu Cần, Bảo tàng Hóa học, Công ty TNHH một thành viên 76-Bộ Quốc phòng và một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội.
 |
Bức ảnh "Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi Làng Sen, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An" trưng bày tại triển lãm. |
Đây là hoạt động văn hóa có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc nhằm tiếp tục khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc thiêng liêng và tấm gương đạo đức của Người.
Khu trưng bày chung với chủ đề “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn sáng dẫn đường”, do Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam thực hiện sẽ trưng bày toàn văn 10 trang bản chụp từ Di chúc gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh quan trọng liên quan đến Di chúc của Bác. Qua đó cho thấy, Di chúc luôn là nguồn sáng dẫn đường cho dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước trải qua các giai đoạn.
Khu trưng bày của các tỉnh, thành phố gắn với việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời Bác đã căn dặn “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Dù ở cương vị nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành cho quê hương Nghệ An- nơi cội nguồn sinh ra và gắn bó với Người trong những năm tháng tuổi thơ những tình cảm thiêng liêng và sự quan tâm chu đáo. Triển lãm do Bảo tàng tỉnh Nghệ An thực hiện sẽ khắc họa tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với quê hương Nghệ An và tình cảm kính yêu, niềm tin son sắt của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đối với Người.
TP Hồ Chí Minh, là nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, 30 năm Bác đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Khắc họa lại giai đoạn lịch sử này Bảo tàng Hồ Chí Minh nhánh TP Hồ Chí Minh trưng bày hơn 70 tư liệu, hình ảnh và hiện vật quý giá với nội dung “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1945)”.
 |
Bác Hồ phát biểu tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 1 ở Việt Bắc tháng 4 năm 1950. |
Cao Bằng là nơi dừng chân đầu tiên khi Bác trở về để lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc. Pác Bó (xã Trường Hà, Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã trở thành nơi ở và hoạt động cách mạng của Đảng và Bác Hồ giai đoạn 1941-1945. Tại đây, Bác đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19-5-1941), hoàn thiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, quyết định những vấn đề cốt tử liên quan đến sự tồn vong của dân tộc. Gắn với giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Bác, tỉnh Cao Bằng đã lựa chọn nội dung trưng bày và những hiện vật, tư liệu gắn với tháng ngày Bác ở Cao Bằng cũng như những thành tựu mà tỉnh đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Bác.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lựa chọn tư liệu, hình ảnh và hiện vật với nội dung: Tình cảm thương yêu của Bác dành cho Phụ nữ Việt Nam và tấm lòng tôn kính của phụ nữ Việt Nam đối với Bác Hồ; những tấm gương tiêu biểu của của Phụ nữ Việt Nam trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người.
Bảo tàng Hậu Cần, Bảo tàng Hóa học, Đoàn thanh niên Công ty TNHH một thành viên 76 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và các Trường Đại học: Đại học Bách Khoa, Học viện múa Việt Nam, Viện Đại học Mở và Đại học Xây dựng cũng có không gian trưng bày riêng gắn với những kỷ niệm về Bác và những thành tựu của đơn vị và nhà trường đã đạt được trong những năm thực hiện Di chúc của Bác.
Chương trình giao lưu nghệ thuật và gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng với chủ đề “Nhớ ơn Hồ Chí Minh” là điểm nhấn trong những ngày diễn ra hoạt động Triển lãm “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ 9 giờ đến 21 giờ các ngày 30-8 đến 3-9.
Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN